Trồng loại quả màu đen, ra từng chùm trĩu quả ngọt, 8x tiền rủng rỉnh túi
Nếu như trước đây khi những sạp nho, gánh nho được bày bán tại các khu chợ trong thành phố người mua sẽ nghĩ ngay rằng đó là nho Trung Quốc thì hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã tin tưởng với thương hiệu Nho Mai Pha bởi họ được trải nghiệm trực tiếp hái những trùm nho quả sai trĩu ngay tại TP.Lạng Sơn.
Chẳng cần đi Ninh Thuận - vùng trồng nho nổi tiếng, nhân dân và du khách đến Lạng Sơn cũng có thể có những trải nghiệm và không gian vườn nho để chụp hình sống ảo và hái những tráo nho ngọt mang về nhà. Để có được vườn nho sai trĩu quả cho du khách vào tham quan miễn phí như hiện nay, chàng thanh niên 8X Hoàng Hải Phòng đã dày công chăm sóc và kiên trì với hướng đi mới đầy gian nan.
Đến tận nơi trải nghiệm mới thấy mức độ tỉ mẩn trong khâu chăm sóc để có được một vườn nho đẹp quả sai trĩu cho du khách trải nghiệm và hái nho.
Anh Phòng cho biết, vườn nho này của gia đình anh trồng từ năm 2012, thuộc dự án trồng khảo nghiệm giống nho Cự Phong và Tảo Hồng có nguồn gốc từ Trung Quốc do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn triển khai.
Hồi đó, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi gần 5 sào đất nông nghiệp trồng ngô, lúa sang trồng nho. Đồng thời đầu tư vốn làm giàn, cọc, thuê nhân công... còn lại toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh hỗ trợ.
Anh Phòng kể: Thời điểm gia đình anh mới bắt đầu nhiều người xì xào, bàn tán vì nghĩ rằng cái cọng dây xù xì, xoắn tít như dây thừng này thì trồng sao có quả được. Bỏ mặc ngoài tai mọi thứ, gia đình anh không nản chí. Là 1 trong những hộ đầu tiên trồng nho nên gia đình anh không tránh khỏi những bỡ ngỡ bởi sự tỉ mẩn trong khâu trồng, chăm sóc, cắt tỉa. Anh Phòng luôn tuân thủ các quy trình đã được hướng dẫn, từ khâu làm đất, đến khâu chăm sóc cây và thu hoạch, bảo quản.
Trời không phụ lòng người, sau bao nhiêu công sức bỏ ra cùng thời gian dài đằng đẵng chờ ngày nhìn thấy quả, cuối cùng vườn nho của gia đình anh Phòng cũng bắt đầu ra những bông hoa đầu tiên. Điều này cũng như 1 lời khẳng định rằng loại nho khó tính có thể trồng được trên đất ở Lạng Sơn. Nhiều người dân kéo đến xem và từ đó lời ra tiếng vào hoài nghi về hiệu quả của việc trồng nho cũng dần biến mất. Với những thành công bước đầu như vậy gia đình anh đầu tư, mở rộng thêm diện tích đất trồng nho.
Thời điểm đó, vườn nho của gia đình anh Phòng là mô hình trồng nho đầu tiên ở Lạng Sơn cũng như khu vực miền Bắc. Sau đó năm 2013 và 2014 vườn nho cho thu hoạch 1,4 tấn quả, thu nhập 140 triệu đồng; năm 2015 cho sản lượng 1,5 tấn quả, thu nhập hơn 150 triệu đồng…
Theo anh Phòng, 2 loại nho này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã sinh trưởng tốt phù hợp với đất và khí hậu của xã Mai Pha. Chính vì vậy, khi được đem về trồng tại đây, nho cho chất lượng quả ngon, ngọt đậm, vỏ dày, không hạt nên được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Anh Phòng cho biết: Cuối năm 2018, sau khi nghiên cứu, anh lại quyết định chuyển sang trồng thử thêm giống nho Hạ Đen, đây là giống nho có giá trị cao. So với giống nho Cự Phong - Tảo Hồng thì giống nho Hạ Đen cũng phát triển rất tốt và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Mai Pha. Vườn nho Hạ Đen của gia đình anh hiện có 8 sào với 800 cây nho, mỗi cây cho thu hoạch 5 - 8 kg quả. Chi phí đầu tư ban đầu trung bình khoảng 20.000.000 đồng/sào, với giá bán tại vườn là 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, dự kiến cả mùa vụ lãi từ 400 – 500 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng và chăm sóc vườn nho, anh Phòng cho biết: Nho là cây có những yêu cầu tương đối khắt khe về độ ẩm và lượng mưa. Lâu nay chúng ta biết, ở miền Bắc trồng nho rất khó vì độ ẩm cao vì khi ẩm độ cao sẽ phát sinh rất nhiều bệnh cho cây nho. Vì vậy, ở phía Bắc, đặc biệt là vùng Việt Bắc, trồng nho rất khó. Nho cũng rất sợ những nơi mưa nhiều. Khi có mưa nhiều gây nên úng thủy thì bộ rễ của cây nho dễ bị thối và chết dần dần.
Hiện nay gia đình anh Phòng đã có hơn 3.000 m2 diện tích vườn nho đang cho thu hoạch và hơn 2 ha sắp cho thu. Vườn nho mở cửa cho khách vào tham quan miễn phí, khách có nhu cầu mua cũng được chọn và cắt trực tiếp với mức giá 150.000 đồng/kg.