Sau 2 năm thay thế RON92, tiêu thụ xăng E5 ngày càng giảm

18/09/2020 16:21 GMT+7
Tuy được quảng cáo về đặc điểm bảo vệ môi trường, tuy nhiên, trước sự “quay lưng” của khách hàng, doanh số tiêu thụ xăng E5 ngày càng giảm.

Theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, ảnh hưởng dịch Covid – 19, lượng tiêu thụ mặt hàng xăng dầu giảm đến 50%. Trong đó, xăng sinh học E5 ngày càng giảm mạnh.

Giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân khiến doanh số bán ra của xăng E5 "thê thảm" là do thói quen người tiêu dùng. Mặc dù được quảng cáo về đặc tính bảo vệ môi trường, tuy nhiên, đại bộ phận khách hàng không yên tâm về chất lượng của loại xăng này. Cùng với đó là mối nghi ngại về tác động không tốt của xăng E5 đối với các chi tiết máy.

Ngoài ra, mức chênh lệch giữa xăng A95 và E5 không còn hấp dẫn (khoảng vài trăm đồng) dẫn đến việc người mua không mặn mà. Điều này khiến nhiều cây xăng thậm chí đã loại bỏ hẳn xăng E5 ra khỏi các mặt hàng kinh doanh.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, mức chiết khấu cho người bán đối với xăng A95 là 1.300 đồng/lít, xăng E5 1.100 đồng/lít. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, với thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng hiện tại, dù tăng mức chiết khấu cho người bán thì xăng E5 vẫn sẽ khó bán.

Sau 2 năm thay thế RON92, tiêu thụ xăng E5 ngày càng giảm - Ảnh 1.

Tiêu thụ xăng E5 luôn ở mức thấp kể từ khi thay thế xăng RON92

Số liệu từ Tổng đại lý xăng dầu ở Bình Chánh cho thấy, hiện tại, xăng E5 bình quân một ngày bán được 2.000 lít, giảm 1.000 lít so với cùng kỳ năm 2019. Xăng E5 hiện nay tiêu thụ được chủ yếu nhờ các xe dịch vụ như taxi, grabike.

Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết, thời gian qua xăng E5 chưa phát triển tương xứng với yêu cầu mục đích đề ra là thay thế xăng A92 đã ngưng kinh doanh từ đầu năm 2018.

Thực tế tại công ty cho thấy, tỷ trọng xăng E5 trong cơ cấu tiêu thụ xăng ngày càng giảm, nhất là từ đầu năm 2019 trở lại đây. Năm 2018, tại Saigon Petro tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 bình quân 30,06%, đến năm 2019 giảm còn 22,65%, riêng bảy tháng đầu năm 2020 chỉ còn 16,95%.

"Đây là số liệu hàng tháng công ty đã báo cáo cho Bộ Công Thương và là con số rất đáng báo động, cho thấy tiêu thụ xăng E5 có chiều hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới", Saigon Petro cho biết thêm.

Theo đại diện Saigon Petro, xăng E5 có tác động tốt đến môi trường. Tuy nhiên, để tạo khoảng cách chênh lệch giá so với xăng A95 đủ lớn và đúng quy định về khung thuế bảo vệ môi trường cần áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng.

Không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay. Mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít. Đây là biện pháp cơ bản lâu dài nên áp dụng, sử dụng nguồn thu thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường. Đặc biệt là thống nhất các chính sách trích, sử dụng quỹ bình ổn giá giữa xăng khoáng và xăng E5.

Lý giải nguyên nhân người dân không mặn mà với xăng E5, ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (Đức) cho biết, yếu tố ban đầu khi ô tô và xe máy dùng xăng E5 là xe chạy không vọt, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn.

Cụ thể, ông Đồng cho biết, xăng E5 chứa ethanol dễ đốt cháy nhưng lượng tỏa nhiệt thấp hơn các loại xăng thông thường. Xe sử dụng xăng E5 sẽ chạy không vọt, tài xế đạp ga nhiều hơn gây tốn nhiên liệu và sản sinh lượng khí thải lớn hơn. Việc hạn chế khí thải độc của xăng E5 cũng mất đi.

"Những dòng ô tô phun xăng hiện nay sử dụng bộ phun xăng và ống dẫn nhiên liệu làm bằng kim loại và cao su tốt nên không ảnh hưởng độ nóng và ăn mòn từ cồn ethanol. Tuy nhiên, những dòng xe đời cũ sử dụng bộ chế hòa khí có thể gặp khó khăn, đường ống dẫn xăng, ron..., bằng nhựa hoặc cao su khi sử dụng xăng E5 lâu ngày có thể bị bào mòn gây rò rỉ xăng, cháy xe", ông Nguyễn Minh Đồng nói.

Bên cạnh đó, ông Đinh Viết Quang, Giám đốc dịch vụ hãng ô tô Sài Gòn Ford cũng cho biết, xăng sinh học chứa cồn ethanol trên thế giới đã đưa vào sử dụng từ lâu nhưng cũng ít người sử dụng. Chẳng hạn ở bên Đức, ngoài xăng E5 còn có E10..., bán đã 15 năm nay nhưng người dân vẫn không chấp nhận.

Tuy nhiên, các hãng xe cũng nên ra thông báo cho người dùng được biết, loại phượng tiện nào sử dụng được xăng E5, E10..., và phương tiện nào không được dùng. Hiện trên thế giới, xăng sinh học chỉ áp dụng cho từng dòng xe cụ thể chứ không phải toàn bộ. Chẳng hạn bên Mỹ, một số ô tô được dán tem và logo thông báo xe có thể sử dụng xăng hoặc ethanol từng loại. Còn ở Việt Nam chưa thấy các hãng ô tô thông báo vấn đề này.

Vì sao xăng E5 kém hấp dẫn?
Thanh Phong
Cùng chuyên mục