'Số hiếm' một doanh nghiệp có lãi tăng vọt lên gần nghìn tỷ, ROE đạt 111% trong bối cảnh kinh tế còn khó
Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng báo lãi tăng vọt lên gần nghìn tỷ
CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng đã công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hơn 958,2 tỷ đồng, tăng 138,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tương ứng với tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 111%, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận 1.970%.
Nhờ kinh doanh có lãi đậm, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 ở mức hơn 863,1 tỷ đồng, tăng vọt so với thời điểm cuối tháng 12/2022 âm 95,1 tỷ đồng. Trước đó, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2022 ghi nhận ở mức 20,4 tỷ đồng.
Tại ngày cuối quý II/2023, nợ phải trả là 1.381 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu còn 1.122 tỷ đồng.
Công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, vốn điều lệ của Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng là hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2022, Công ty Hồng Hoàng báo lãi sau thuế 286,6 tỷ đồng trong khi năm 2021 công ty ghi nhận khoản lỗ 177,1 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Hồng Hoàng âm gần 95,1 tỷ đồng, giảm 223,9 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (âm 319 tỷ đồng).
Lãi suất vay đến 20%/năm "vẫn chưa là gì" với Hồng Hoàng, nhờ đâu?
Trước đó, ngày 29/10/2019, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng đã phát hành hơn 14 triệu trái phiếu (mã HH.TP.2019) với kỳ hạn 5 năm (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu) với mục đích tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của Công ty, đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng. Tổng giá trị huy động tại thời điểm đó là là 1.402 tỷ đồng. Lãi suất của lô trái phiếu này lên tới 20%/năm và toàn bộ được phát hành cho nhà đầu tư tổ chức của nước ngoài.
Tính đến ngày công bố báo cáo 2/8/2023, Hồng Hoàng còn gần 1.083,7 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành theo mệnh giá của mã HH.TP.2019.
CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng được cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 2/11/2016 với ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, dịch vụ hỗ trợ quản lý tài chính.
Dữ liệu Etime cho thấy, ở thời điểm thành lập, cơ cấu cổ đông của Hồng Hoàng gồm ba cá nhân: bà Phạm Thị Khánh Hồng (90%), ông Đặng Anh Vũ (5%) và ông Đặng Anh Tuấn (5%). Vào tháng 9/2019, bà Phạm Thị Khánh Hồng đã thế chấp số cổ phiếu Hồng Hoàng của mình cho tổ chức VIETNAM FINANCE LIMITED. Và cũng trong những tháng cuối năm 2019, Hồng Hoàng đã thế chấp lượng lớn cổ phiếu ACB tại Saigon Asia Credit Limited.
Năm 2019 Hồng Hoàng gây sốc với thị trường tài chính khi huy động trái phiếu với lãi suất lên đến 20%/năm. Tuy nhiên, 3 năm sau, Hồng Hoàng cho thấy lãi suất vay 20% "vẫn chưa là gì" khi báo lãi khủng. Phải chăng lợi nhuận của Hồng Hoàng có được đến từ việc đầu tư vào cổ phiếu ACB? Khi từ năm 2020 đến tháng 6/2023, ACB đã thực hiện chia cổ tức 4 lần với tổng 105%/mệnh giá, trong đó có 10% cổ tức bằng tiền, 95% bằng cổ phiếu. Giá cổ phiếu giao dịch thỏa thuận ngày 30/10/2019 là 23.800 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên ACB đã bán thành công 35,2 triệu cổ phiếu quỹ.