Sơn La: 8 ổ dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế
Tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 10 xã, 29 ổ dịch tả heo châu Phi đã được khống chế và công bố hết dịch. Hiện còn 4 xã, thị trấn (Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Viêng Lán và thị trấn Yên Châu) với 8 ổ dịch vẫn chưa được khống chế. Các ổ dịch này đều thuộc huyện Yên Châu.
Các ổ dịch này đều thuộc huyện Yên Châu. Trước đó, ngày 1/6, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi và đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện này.
Ông Hùng yêu cầu huyện Yên Châu và các xã, thị trấn đang có dịch bệnh thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt người dân tại các bản có dịch và địa bàn các xã giáp ranh cần khẩn trương khoanh vùng dập dịch, tránh lây lan dịch bệnh sang vùng lân cận. Các địa phương cần tăng cường công tác chủ động giám sát, theo dõi, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch mới phát sinh.
Đồng thời, việc thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng tại những nơi có nguy cơ phát sinh cao và các phương tiện lưu thông từ các địa phương khác vào địa bàn cũng phải được chú ý.
Các địa phương cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp giấu dịch, vứt xác lợn dịch ra môi trường, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển lợn vào địa bàn, không thả rông lợn, hạn chế tập trung đông người tại nơi có ổ dịch.
Duy trì chốt kiểm dịch theo đúng quy trình; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn trên địa bàn; hỗ trợ kịp thời các hộ chăn nuôi tiêu hủy lợn mắc DTLCP theo quy định.
Bộ NN&PTNT cũng vừa có Công văn số 3671 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn.
Cụ thể, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn.
Đồng thời, các tỉnh, thành hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua.
Cạnh đó, các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Theo báo cáo của các địa phương về tỷ lệ tái đàn lợn tại tháng 4/2020 so với thời điểm trước dịch, Bắc Ninh, Lai Châu đạt mức cao nhất (68%). Các tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Trà Vinh đạt từ 62% - 67%.
Tuy nhiên, một số địa phương tỷ lệ tái đàn chỉ đạt ở tỷ lệ thấp như Lạng Sơn (36%), Đồng Tháp (21%).