Sữa Quốc tế (IDP) lên kế hoạch lợi nhuận giảm một nửa, chia cổ tức tối đa 50% tiền mặt

19/03/2022 16:45 GMT+7
Nhờ kết quả kinh doanh cao kỷ lục trong năm 2021, HĐQT IDP sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 90%, trong đó công ty đã tạm ứng cổ tức tỷ lệ 50% vào tháng 8/2021.

Sữa Quốc Tế (IDP) muốn chia cổ tức năm 2021 90% tiền mặt

Công ty CP Sữa Quốc Tế (UPCoM: IDP) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức chiều 7/4 tại TP HCM.

Lũy kế trong năm tài chính 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.827,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 822,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 25,8% và 64% so với cùng kỳ.

Đây là năm đầu tiên công ty ghi nhận lợi nhuận cán mốc nghìn tỷ. Riêng quý IV/2021, biên lợi nhuận gộp đạt gần 45%. Đây là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp và cao hơn các đối thủ lớn trong ngành như Vinamilk (khoảng 42,5%) và Mộc Châu Milk (gần 32%).

Sữa Quốc tế (IDP) lên kế hoạch lợi nhuận giảm một nửa, chia cổ tức tối đa 50% tiền mặt - Ảnh 1.

Được biết, trong năm 2021, IDP đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần là 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 530 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính 2021, công ty hoàn thành 155,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về kế hoạch cổ tức, Sữa Quốc tế dự kiến thanh toán phần cổ tức còn lại năm 2021 với tỷ lệ 40% bằng tiền mặt, tương đương 4.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, công ty đã đã tạm ứng một phần cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 50%.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần là 5.500 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2021, song lợi nhuận sau thuế giảm 45% còn 452 tỷ đồng. 

Năm 2022, Sữa Quốc tế dự kiến chia cổ tức từ 10% đến 50% bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, IDP trình phương án phát hành hơn 1,1 triệu cổ phiếu ESOP cho các lãnh đạo cấp cao với giá phát hành là 10.000 đồng/cp, trong khi thị giá cổ phiếu IDP chốt phiên 17/3 là 142.100 đồng/cp. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên 601,25 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm nay.

Thị giá cổ phiếu IDP tăng 3 lần kể từ khi niêm yết

Được biết, Sữa Quốc tế vào cuối tháng 1 vừa qua đã phê duyệt đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Mục tiêu của dự án là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Sữa Quốc tế là 300 tỷ đồng, vốn vay là 2.500 tỷ đồng.

Địa điểm thực hiện dự án là Lô C-13A-CN Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Theo IDP, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của đại bộ phận người dân. Sữa mặc dù là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng cũng bị giảm nhu cầu, mức tiêu thụ ngành sữa trong năm 2021 giảm 7%.

Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường, sức khỏe và chế độ ăn uống đòi hỏi ngành sữa phải đa dạng hóa sản phẩm, ví dụ như chuyển sang đồ uống có nguồn gốc thực vật, mở rộng quy mô trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sữa cần đổi mới chiến lược marketing về sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, IDP cũng trình lên phương án đầu tư sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng vốn 2.800 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Trong đó, vốn góp giai đoạn 1 là 800 tỷ đồng, vốn vay là 1.000 tỷ đồng; vốn góp trong giai đoạn 2 là 300 tỷ đồng và vốn vay là 700 tỷ đồng.

Cổ phiếu IDP đóng cửa phiên 18/3 ở mức giá 160.000 đồng/cổ phiếu, tăng đến 12,6% chỉ trong một ngày. Mã IDP chỉ mới niêm yết vào đầu năm ngoái nhưng thị giá cổ phiếu đã tăng hơn 3 lần so với ngày giao dịch đầu tiên.

Công ty CP Sữa Quốc Tế thành lập năm 2004, công ty có trụ sở và nhà máy chế biến các sản phẩm sữa đặt tại hai địa danh có nguồn nguyên liệu lớn của nước ta. Nhà máy sữa Chương Mỹ cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25 Km về phía tây. Và nhà máy Sữa Ba Vì tại xã Tản Lĩnh, Huyện Ba Vì, Hà Nội đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2010.


A.Vũ
Cùng chuyên mục