Du lịch gần đóng băng do biến thể Delta và triển vọng màu xám cho thị trường lao động Thái Lan

25/08/2021 14:30 GMT+7
Du lịch phục hồi chậm chạp do làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mới nhất đang đẩy ngày càng nhiều người Thái Lan vào tình trạng mất việc làm kéo dài. Trong khi đó, các điểm du lịch nổi tiếng như Pattaya và Chiangmai đã hoãn thời gian mở cửa trở lại với du khách quốc tế sang tháng 10 do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan hôm 25/8 công bố tỷ lệ thất nghiệp trong quý II lên tới 1,89%, giảm nhẹ so với con số 1,96% hồi quý I nhưng vẫn ở mức gần gấp đôi so với con số dưới 1% ở thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Việc tỷ lệ thất nghiệp giảm phản ánh đà phục hồi kinh tế là một bất ngờ lớn với những người theo dõi thị trường lao động Thái Lan. Ông Danucha Pichayanan, tổng thư ký của cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu quốc gia hồi tháng 5 nhận định tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng trở lại. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thương mại và Công nghiệp Thái Lan Tanit Sorat dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 2,5% trong quý II.

Du lịch gần đóng băng do biến thể Delta và triển vọng màu xám cho thị trường lao động Thái Lan - Ảnh 1.

Du lịch gần đóng băng do biến thể Delta và triển vọng kinh tế màu xám cho Thái Lan (Ảnh: Reuters)

Thái Lan đang phải vật lộn với sự bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta dễ lây lan kể từ đầu tháng 7 đến nay. Số ca nhiễm mới tăng lên nhanh chóng buộc chính phủ tái áp đặt các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm tại một số khu vực. Điều này buộc nhiều công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cắt giảm bớt nhân sự. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp quý II của Thái Lan giảm là con số chưa tính đến ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch mới nhất bắt đầu vào đầu tháng 7 qua. 

Vào giữa tháng này, Thái Lan đã công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế, trong đó cho thấy GDP quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng GDP 7,5% trong quý II của Thái Lan dựa trên sự so sánh với thời điểm quý II/2020, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á này buộc Bangkok thực hiện nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế. Thêm vào đó, đà phục hồi chung của kinh tế toàn cầu cũng tạo động lực cho mức tăng trưởng GDP mà Thái Lan đạt được trong quý II. Tuy vậy, triển vọng kinh tế trong những tháng tiếp theo được đánh giá là ảm đạm do làn sóng bùng phát dịch Covid-19 hiện tại.

Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ mức 1,5-2,5% xuống còn 0,7-1,2% do tác động quá lớn từ đại dịch. Đây là lần thứ ba Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021. Động thái này phù hợp với nhiều tổ chức kinh tế khác. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á từ 1,8% xuống 0,7% trong một tuyên bố chính sách được công bố sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ vào ngày 4/8. Một số nhà kinh tế tư nhân thậm chí còn đưa ra dự báo tồi tệ hơn.

"Rủi ro suy giảm đối với triển vọng kinh tế vẫn còn đáng kể do nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Thái Lan cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác. Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ theo dõi chặt chẽ những rủi ro này cũng như tác động của nó đến chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thị trường việc làm, thu nhập người lao động cũng như lượng khách du lịch quốc tế” - Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng 8.

Du lịch và các ngành liên quan đến du lịch đóng góp tới 20% tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan tại thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, đây cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh buộc chính phủ nhiều quốc gia đóng cửa biên giới cũng như áp đặt các hạn chế di chuyển. 

Vào tháng 6, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước trong 120 ngày với những du khách được tiêm chủng đầy đủ nhằm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường lao động thông qua kích cầu du lịch. Tuy nhiên, các đợt bùng phát mới đại dịch Covid-19 do biến thể Delta đang chặn đứng kế hoạch này.

Thành phố Chiangmai, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở miền Bắc Thái Lan dự kiến sẽ hoãn mở cửa du lịch đến ngày 1/10. Chính quyền Chiangmai đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch khi đón khách du lịch quốc tế trở lại, nhưng cho đến hết ngày 19/8, tỷ lệ tiêm chủng cần thiết vẫn chưa đạt đến con số này, theo Cục trưởng Cục Du lịch Thái Lan Thanet Phetsuwan.

Việc mở cửa trở lại của Pattaya, một thị trấn biển trên Vịnh Thái Lan nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng đẹp cũng sẽ bị trì hoãn vì lý do tương tự. Bun-anan Phatthanasin, chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Kinh doanh Pattaya thừa nhận với truyền thông địa phương rằng Pattaya khó có thể hoàn thành mục tiêu miễn dịch bầy đàn trước tháng 9 như kế hoạch trước đó.

Trong những tuần qua, Thái Lan đã ghi nhận số ca mắc bình quân hàng ngày duy trì ở mức khoảng 20.000, nhưng đã giảm xuống khoảng 18.000 trong hai ngày đầu tuần này. Theo Our World in Data, tính đến ngày 19/8, 8,2% người Thái đã được tiêm chủng đầy đủ hai liều vắc xin và 19,9% người dân đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin. 

AstraZeneca đã ký hợp đồng cung cấp 61 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Thái Lan trước tháng 5/2022, nhưng chính phủ của Thủ tướng  Prayuth đã thúc đẩy công ty dược phẩm này tiến hành giao hàng vào cuối năm nay. Hôm thứ Hai, AstraZeneca xác nhận rằng họ sẽ nỗ lực cung cấp số liều vắc xin còn lại từ nay đến cuối năm.

Chính phủ Thái Lan cũng nhận được 150.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Bhutan thông qua cơ chế cho vay vắc xin, và hứa hẹn sẽ trả lại một lượng tương đương hoặc lớn hơn trong tương lai.


NTTD
Cùng chuyên mục