Sức ép từ các KCN buộc Đồng Nai phải chuyển hướng đi mới
Theo số liệu thống kế từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có tất cả 31 KCN đã đi vào hoạt động, có 01 KCN công nghệ cao đang trong giai đoạn triển khai xây dựng. Trong đó, 3 địa phương là TP Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch đã có 20 KCN đã đi vào hoạt động, chiếm 65% số KCN đã được thành lập và địa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cả 3 địa phương trên đều có chung đặc điểm là vị trí thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển đồng bộ nên có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Do đó, số lượng các KCN tại các địa phương này tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu đón dòng vốn từ các nhà đầu tư.
Tính đến ngày 5/2/2020, các KCN ở Đồng Nai đã thu hút tổng số vốn đầu tư là 137,17 triệu USD, trong đó cấp mới 10 dự án với tổng số vốn là 36 triệu USD; 12 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm hơn 101,17 triệu USD.
Còn trong năm 2019, trong các KCN tỉnh Đồng Nai đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 111 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư là 1.145,17 triệu USD. Đồng thời điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 620 dự án, trong đó có 126 dự án điều chỉnh tăng vốn với mức vốn tăng là 819,44 triệu USD, 01 dự án giảm vốn 175.000 USD. Tổng cấp mới và điều chỉnh vốn là 1.964,44 triệu USD.
Tỉnh cũng thu hút được 31 dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên. Nhìn chung, năm 2019, kết quả thu hút vốn FDI đạt hơn 196% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2019 là 01 tỷ USD); thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 203% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2019 là 2.000 tỷ đồng).
Việc mở ra nhiều KCN, thu hút dòng vốn FDI đã tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Như tại huyện Nhơn Trạch, các dự án đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn huyện giải quyết việc làm cho hơn 110.000 lao động. Mức lương trung bình của người lao động đạt từ 6,5-8,5 triệu đồng/người/tháng. Tính từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm của huyện Nhơn Trạch luôn ở mức từ 16-17%.
Nhưng việc có quá nhiều KCN cũng đặt ra nhiều áp lực đối với các địa phương như vấn đề về mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, dân số cơ học tăng nhanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự,…
Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho rằng, huyện Long Thành và Nhơn Trạch hiện đã có nhiều KCN. Các KCN tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, những hệ luy do việc có nhiều KCN cũng rất lớn, do đó tỉnh đang xem xét không mở thêm các KCN mới tại 3 địa phương này.
Thay vào đó, tỉnh Đồng Nai sẽ định hình hướng đi mới cho 3 địa phương trên là phát triển các đô thị dịch vụ. Trong đó, hạt nhân được xác định là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành. Đây là dự án được mong chờ với nhiều triển vọng lớn sẽ ra động lực phát triển kinh tế, mang giá trị kết nối giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng khách, hàng hóa.
Đồng thời, mô hình thành phố sân bay (Airport City) với việc lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông... sẽ tạo ra cơ hội để địa phương này phát triển mạnh mẽ.