Tăng trưởng tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc gấp 3 lần thời thương chiến Mỹ Trung

17/03/2020 09:44 GMT+7
Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhanh tại Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020 do áp lực nặng nề từ dịch virus corona (Covid-19) khiến 80% nền kinh tế tê liệt nhiều tuần liền bởi các hoạt động phong tỏa kiểm dịch.

Một dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố thông qua cuộc khảo sát tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước - một trong những thước đo sức khỏe nền kinh tế quan trọng - đã cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,3% trong tháng 12/2019 lên 6,2% trong tháng 1-2/2020. Mức tăng hàng tháng nhảy vọt lên 0,9%, tức gấp 3 lần mức tăng 0,3% trong 18 tháng trước đó, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tăng gấp 3 lần thời thương chiến Mỹ Trung - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc tăng 0,9% do dịch virus corona tức mức tăng gấp 3 lần hồi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ

Bắc Kinh hiện vẫn chưa công bố tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu cho năm 2020 vì kỳ họp Quốc hội đã bị hoãn lại vì dịch bệnh. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như vậy rõ ràng sẽ làm khó bất cứ mục tiêu nào mà chính quyền Tập Cận Bình mong đợi. Sự ổn định trên thị trường việc làm từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế. 

Hồi tháng 12/2019, trong khuôn khổ Hội nghị Kế hoạch Kinh tế hàng năm, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã cam kết hướng tới mục tiêu không có gia đình nào tất cả các thành viên đều thất nghiệp. Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa nhấn mạnh lại cam kết như vậy bất chấp khả năng dịch virus corona khiến nền kinh tế giảm tốc trong quý I. Nhưng dễ thấy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài, nhiều gia đình đang rơi vào thất nghiệp tạm thời khi chỉ có 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mở cửa trở lại. Thêm vào đó, người lao động nhập cư bắt buộc phải hoàn thành 14 ngày cách ly trước khi trở lại sản xuất. Theo một thống kê, Trung Quốc có tới 291 triệu lao động nhập cư, chủ yếu từ các vùng nông thôn, vùng quê nghèo khó kém phát triển di chuyển tới thành phố để kiếm việc làm.

Mao Shengyong, phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia NBS cho hay: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng áp lực với thị trường việc làm vẫn còn tương đối lớn”. Ông Mao kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm vào nửa cuối năm, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi hoàn toàn nhờ những biện pháp hỗ trợ, kích thích thị trường lao động của chính phủ.

Chính quyền ông Tập Cận Bình đã cam kết triển khai cắt giảm thuế và tung ra các quỹ hỗ trợ khẩn cấp trị giá hàng nghìn tỷ NDT để giúp đỡ những doanh nghiệp nhỏ - đối tượng sử dụng phần lớn lực lượng lao động Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo sát công nhân được thực hiện bởi công ty tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com, chỉ có 40,2% trong 7.129 người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ đã khôi phục hoàn toàn sản xuất, trong khi tới 25,1% cho hay họ đã mất việc vì dịch virus corona kéo dài. 

17% người khảo sát cho biết họ mất trắng tiền lương vì dịch bệnh, còn 20% khác nói rằng ngày trả lương bị trì hoãn do tình trạng khó khăn của công ty.

Một cuộc khảo sát khác mà Zhaopin.com thực hiện trên các nhà quản lý nhân sự đã vẽ ra bức tranh ảm đạm không kém khi 1/3 trong số người được hỏi dự báo doanh nghiệp sẽ cắt giảm việc làm, trong khi 28,2% khẳng định công ty sẽ không tuyển dụng thêm nhân sự để lấp đầy những vị trí đang trống.

Liang Haiming, người đứng đầu Viện nghiên cứu China Silk Road iValley, cho biết hiện tượng mất việc làm tại các công ty nhỏ là không thể tránh khỏi, vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sự gián đoạn kinh tế mà dịch virus corona gây ra.

Dự kiến trong mùa hè năm nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt tới 8,74 triệu người nhưng số việc làm được tạo ra tại các thành phố đang giảm mạnh xuống 1,08 triệu việc làm trong 2 tháng đầu năm, giảm từ mức 1,74 triệu việc làm trong cùng kỳ năm 2019.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục