Tàu cát Linh - Hà Đông hút khách, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ chưa rõ ngày vận hành

24/10/2022 11:25 GMT+7
Trong bối cảnh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang hoạt động ổn định, lượng khách đi tàu tăng cao liên tục, trái ngược đó, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vẫn thi công ì ạch chậm tiến độ, đội vốn.

Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng cao

Theo đó, nhằm tăng cường các chuyến tàu phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, Bộ GTVT, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã tăng khai thác từ 6 đoàn tàu lên 9 đoàn tàu/ngày, nhằm giảm thời gian chờ giữa các chuyến tàu từ 10 phút xuống còn 6 phút/chuyến.

Theo Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: "Trong thời gian vừa qua, lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông liên tục tăng cao. Nếu như trước đây, bình quân chỉ có khoảng 7.000 - 10.000 khách/ngày, nhưng đến nay lượng khách tặng cao hơn nhiều lần như thế".

Tàu cát Linh - Hà Đông hút khách, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ chưa rõ ngày vận hành - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.N

Cũng theo báo của của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 . Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án là 18.001,5 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Bộ GTVT đã bàn giao cho UBND Tp.Hà Nội đưa vào vận hành khai thác tháng 11/2021.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phát huy hiệu quả khai thác vận tải hành khách khu vực được nâng cao: sau 10 tháng vận hành khai thác 6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 10 phút, vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vận hành khai thác tuyến đường sắt, đơn vị khai thác đã triển khai điều chỉnh biểu đồ chạy tàu từ ngày 1/9/2022 để vận hành khai thác 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 6 phút.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa rõ ngày vận hành

Trong khi đó, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP.Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2019, 2020  với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro vẫn đang bị chậm so với kế hoạch.

Dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị  (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và 1 gói Tư vấn thực hiện dự án.

Tàu cát Linh - Hà Đông hút khách, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ chưa rõ ngày vận hành - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ. Ảnh: TA

Đến nay, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công).

Tiến độ chung dự án đạt khoảng 75,28%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 96,8%. Đến nay, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kéo thời gian thực hiện dự án đến năm 2027.

Trong đó, khai thác, vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022; khai thác, vận hành toàn tuyến từ năm 2027; điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng), trong đó phần vốn ngân sách Thành phố tăng: 3.895,9 tỷ đồng ; phần vốn vay ODA giảm 1.979,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2008  với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng.

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn của dự án năm 2022 đến hết 31/8/2022 là 20 tỷ đồng (vốn trong nước); lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến ngày 31/8/2022 là 890,9 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án gồm: điều chỉnh phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm; điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng (tăng thêm 16.123 tỷ đồng).

Thế Anh
Cùng chuyên mục