Taxi công nghệ hoạt động theo hướng nào khi hết thời gian thí điểm?

04/03/2020 06:00 GMT+7
Từ 1/4, việc thử nghiệm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT sẽ hết hiệu lực, vậy sau thời gian này, những loại hình kinh doanh như Grab, Be, GoViet… sẽ hoạt động theo hướng nào?

Trả lời câu hỏi này, tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, ngày 11/2 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm nêu trên kể từ ngày 1/4/2020.

Do đó, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ phải dừng hoạt động từ ngày 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Dẫn chứng về quy định này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo Điều 35 của Nghị định số 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp.

Taxi công nghệ hoạt động theo hướng nào khi hết thời gian thí điểm? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh VNE

Trong đó, trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Còn trong trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô theo quy định của Nghị định.

Trường hợp này bao gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm i, Điểm k Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.

"Loại hình nào, dùng tên nào cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật mới được hoạt động chứ không phân biệt theo tên gọi Grab hay tên nào khác. Mọi hoạt động kinh doanh đều phải hoạt động theo quy định và kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam", ông Đông nói.

Từ năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm loại hình như Grab Car là xe hợp đồng điện tử tại 5 thành phố lớn, sau đó, sự bùng phát của các xe này đã cạnh tranh gay gắt với các hãng taxi truyền thống. Các hiệp hội taxi yêu cầu xe Grab phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình "hợp đồng điện tử".

Ngoài ra, các dự thảo nghị định 86 quy định gắn mào cho taxi công nghệ gây nhiều tranh cãi. Hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất này và phải dùng công nghệ để quản lý thay vì "gắn hộp đèn".


A.Vũ
Cùng chuyên mục