"Thách thức" 368 tỷ USD, ngân hàng nhập cuộc

23/11/2023 15:20 GMT+7
TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, này vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero

Chẳng hạn như với nguồn đầu tư công, giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt khoảng 40% (26/60 tỷ USD).

Nguồn vốn viện trợ phát triển nước ngoài, ông Thiên cho biết, dòng tài chính phát triển quốc tế vào Việt Nam cho thấy dòng vốn ODA vào Việt Nam có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

Giai đoạn 2012-2021, nguồn tài chính phát triển quốc tế cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào Việt Nam khoảng 2,26 tỷ USD mỗi năm, trong đó có khoảng 39% là dành cho các hoạt động chống chịu, 49% cho các hoạt động giảm nhẹ, 12% cho các hoạt động đồng lợi ích.

Trong các dự báo vĩ mô, Chính phủ không kỳ vọng ODA sẽ tăng đáng kể, trung bình chỉ khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn 2021–2025, nhiều hơn đáng kể so với số vốn thực tế được cam kết trong những năm gần đây.

Với nguồn từ hợp tác công tư, đến hết năm 2021 có khoảng 146 dự án PPP lớn với giá trị ước tính khoảng 2,71 tỷ USD cho các hoạt động biến đổi khí hậu được thực hiện thông qua mô hình PPP ở Việt Nam.

"Thách thức" 368 tỷ USD, ngân hàng nhập cuộc đua Net Zero - Ảnh 1.

TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Trong bối cảnh như vậy, nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0", theo TS Trần Đình Thiên đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực Nhà nước và tư nhân.

Tuy nhiên, rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể. Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050. Chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoản 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025

Dẫn số liệu từ WorldBank tại hội thảo: Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero.

Nguồn vốn từ định chế tài chính quốc tế quan trọng

Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 còn khá khiêm tốn, đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Do đó việc tìm nguồn vốn cho phát triển xanh là thách thức, theo ông Nam.

"Khi chúng tôi làm việc với các định chế tài chính trên thế giới, chúng ta hay nói là lấy nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh sẽ rẻ hơn, nhưng thực tế hiện tại không còn rẻ nữa. Thậm chí hiện nay nguồn vốn trong nước còn rẻ hơn quốc tế. Hiện nay lãi suất của FED, các nước Châu âu ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vốn từ định chế tài chính quốc tế vẫn quan trọng trong lâu dài để tiến đến trái phiếu xanh, tín dụng xanh", vị này nhấn mạnh.

Liên quan đến nguồn vốn phát triển dự án xanh, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết: "Với vị thế ngân hàng toàn cầu, HSBC có những tham vọng lớn với phát triển xanh. Sau khi Thủ tướng công bố tại COP 26, HSBC đã cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam. Sau thời điểm đó, HSBC cũng có hành động phối hợp với cơ quan quản lý, các tổ chức để phối hợp đưa ra chương trình hành động, chia sẻ kinh nghiệm từ thị trường quốc tế. Hiện tại HSBC đã thu xếp được 2 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.

Ngoài trực tiếp thu xếp vốn cho các dự án, HSBC cũng đồng hành với khách hàng trong chuyển đổi xanh, giúp họ chuyển đổi công nghệ, xây dựng các khung chính sách. Năm 2021, HSBC đã làm việc với VinGroup xây dựng khung tài trợ xanh, thu xếp trái phiếu chuyển đổi bền vững đầu tiên".

"Thách thức" 368 tỷ USD, ngân hàng nhập cuộc đua Net Zero - Ảnh 2.

Trong nước, các ngân hàng thương mại cũng nhập cuộc cho "xanh hóa". Chẳng hạn như tại SHB, nhà băng này sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án/ phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo-năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên…

Đặc biệt từ rất sớm, SHB đã hợp tác với các đối tác quốc tế như WB, IFC, ADB, KfW… và hiện đang tiếp tục tăng cường để tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi đồng thời tư vấn về an toàn, kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho khách hàng và SHB trong việc thực hiện, tài trợ có hiệu quả các dự án.

Hiện SHB đang tham gia Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua WB với vai trò Đơn vị triển khai dự án (PIE) và là Đơn vị phát hành bảo lãnh cho các Ngân hàng tham gia cấp tín dụng với tổng giá trị Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) là 75 triệu USD. Dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất.

Trong lĩnh vực lúa gạo, SHB cho vay tài trợ chuỗi lúa gạo khép kín, góp phần liên kết giữa hàng trăm nghìn hecta vùng nguyên liệu, hàng chục nghìn hộ nông dân, hợp tác xã ở khu vực ĐBSCL và các doanh nghiệp. Đặc biệt, SHB có 4 dự án xanh đã được tham gia chương trình bán tín chỉ carbon do WB thu xếp cho đối tác Thụy Sỹ, …

Nhờ những chiến lược phát triển đồng bộ, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại Ngân hàng chiếm gần 10% trên tổng dư nợ, có xu hướng tăng trưởng ngày càng tăng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 đến nay dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.


H.Anh
Tags:
Cùng chuyên mục