Thâm hụt ngân sách do dịch Covid-19, Châu Âu sẽ tìm cách đánh thuế đại gia công nghệ Mỹ?
Từ lâu, các đại gia công nghệ Mỹ như Google, Facebook, Amazon từ lâu đã là chủ đề tranh luận gây nhức nhối ở Châu Âu. Tháng 7/2019, Pháp đã đánh thuế kỹ thuật số 3% với các công ty công nghệ đa quốc gia có tổng doanh thu toàn cầu từ lĩnh vực kỹ thuật số trên 750 triệu EUR và doanh thu 25 triệu EUR trở lên thị trường Pháp. Thuế được áp dụng hồi tố từ ngày 1.1.2019, gây nên cuộc tranh cãi lớn với Washington.
Lý giải về mức thuế kỹ thuật số 3%, chính phủ Pháp cho hay đây là khoản thuế nhằm san bằng sân chơi giữa các công ty công nghệ lớn và doạnh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho sự phát triển của các tập đoàn nội địa. Tổng thống Donald Trump sau đó lên tiếng phản bác, đe dọa trả đũa do mức thuế không công bằng như vậy.
Bên cạnh Pháp, nhiều quốc gia EU như Anh, Ý, Tây Ban Nha, Áo… cũng cân nhắc những mức thuế như vậy dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Nhưng khi đại dịch Covid-19 tấn công các quốc gia, thiệt hại nặng nề buộc các Chính phủ Châu Âu phải tung những gói hỗ trợ kinh tế hàng trăm tỷ EUR. Nguy cơ thâm hụt ngân sách chưa từng có nhiều khả năng sẽ hướng các nước này nhắm mục tiêu vào thung lũng Silicon của Mỹ.
Nhiều nhà quan sát nhận định các chính phủ Châu Âu đang đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ hồi Đại suy thoái đến nay. Họ sẽ cần nguồn tiền mặt để hỗ trợ nền kinh tế. Các đại gia công nghệ Mỹ là lựa chọn khả quan.
David Livingston, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Eurasia Group cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các cuộc thảo luận về thuế kỹ thuật số đang tiến triển rất nhanh tại Châu Âu, với tham vọng ngày càng lớn của EU về việc sử dụng ngân sách thuế này để hỗ trợ kinh tế phục hồi”.
“Trong khoảng thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến các quốc gia bắt đầu xem xét thuế kỹ thuật số, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-18 thúc đẩy quy mô chuyển đổi nền kinh tế - thương mại theo hướng kỹ thuật số… Một ví dụ, chính phủ Indonesia - một thị trường tiêu dùng mới nổi - đang cố gắng tăng mức thuế trên các doanh nghiệp thương mại điện tử” - ông Livingston nói thêm.
Mới đây, Ủy ban Châu Âu EU đã công bố kế hoạch chi tiêu ngân sách mới nhất, thổi bùng khả năng điều chỉnh các loại thuế bổ sung như thuế carbon (là một loại thuế môi trường, đánh vào lượng CO2 phát thải của nhiên liệu).
Dexter Thillien, một nhà phân tích cấp cao của Fitch Solutions cũng đồng tình với khả năng chính phủ Châu Âu tìm kiếm nguồn tăng ngân sách từ thuế kỹ thuật số với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ. “Có 2 lý do nổi bật. Đầu tiên, các công ty công nghệ lớn là kẻ kiếm được nhiều tiền nhất trong và sau đại dịch Covid-19. Thứ hai, các quốc gia EU đã thảo luận về thuế kỹ thuật số từ lâu”.
Graham Samuel-Gibbon, một chuyên gia luật thuế quốc tế tại công ty luật Taylor Wessing thì cho rằng các quốc gia Châu Âu có thể xem xét những lựa chọn thuế quan khác bên cạnh thuế kỹ thuật số, vì rất ít số đại gia công nghệ đạt được ngưỡng doanh thu để chịu mức thuế này. “Thuế đánh vào tiêu dùng và thu nhập sẽ mang đến nguồn thu lớn hơn cho chính phủ”.