Thanh Bình Phú Mỹ muốn làm KCN 600-800 ha tại Cần Thơ: Hé mở hệ sinh thái của bà Nguyễn Thị Thảo Nhi
Thanh Bình Phú Mỹ muốn làm dự án Khu công nghiệp 600-800 ha tại Cần Thơ
Ngày 3/8/2023, Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đã có văn bản số gửi Thường trực Thành uỷ Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ và Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ xin chấp thuận nghiên cứu đề xuất thực hiện đầu tư dự án khu công nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Cụ thể là Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP với quy mô 600 - 800 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Đại diện UBND tỉnh Cần Thơ cho biết, Thanh Bình Phú Mỹ đã đề xuất diện tích đất thu hồi ban đầu để làm dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP khoảng 600 ha (thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); trong đó, có hơn 505 ha đất nông nghiệp.
UBND TP Cần Thơ đề nghị Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ khẩn trương đề xuất dự án bằng văn bản chính thức để UBND TP hỗ trợ lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành Trung ương xem xét và trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Khi có chủ trương đầu tư, TP sẽ giao cho nhà đầu tư thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/2000.
Hé mở về Thanh Bình Phú Mỹ
Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ là chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 có tổng diện tích đất 1.064 ha, tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là KCN thu hút nhiều công ty đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham gia đầu tư, phát triển mạnh ở nhóm ngành công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, luyện kim, khí đốt…
KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong hai dự án KCN kiểu mẫu nằm trong Thỏa thuận Hợp tác & Phát triển được ký kết giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào tháng 11/2011, xuất phát từ mong muốn thành lập 2 KCN CS phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Nguyễn Thị Thảo Nhi, VCCINEWS, Tháng 9/2017
Một trong những lợi thế của KCN Phú Mỹ 3 là gần cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, một trong những trung tâm thông thương hàng hải lớn nhất địa phương và khu vực. Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được đầu tư đầu tư 12.891 tỷ đồng, bằng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Thanh Bình Phú Mỹ còn là chủ đầu tư của Cảng cạn Phú Mỹ. Vào đầu tháng 8/2023, Bộ Giao thông Vận tải quyết định công bố mở cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1). Cảng có địa chỉ tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô diện tích khoảng 37,8 ha; trong đó bao gồm 6 bến cảng, cầu cảng cho tàu 3 nghìn tấn/sà lan. Ngoài ra, tầm nhìn đến năm 2050, cảng cạn Phú Mỹ có năng lực thông qua khoảng 300 - 400 ngàn teu/năm. Cảng cạn Phú Mỹ sẽ là cánh tay nối dài cho cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Dữ liệu từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (thành lập năm 2007) có địa chỉ tại Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
"Vạn sự khởi đầu nan", chính vì vậy trong quá trình phát triển, công ty nào cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định và Thanh Bình Phú Mỹ cũng không ngoại lệ; nhất là thời điểm tôi tiếp nhận quản lý và đầu tư Khu Công nghiệp Chuyên sâu (KCN CS) Phú Mỹ 3 vào cuối năm 2011, đầu năm 2012. Cái khó ở đây không phải là tiếp tục đầu tư mà phải nói chính xác là đầu tư lại hoàn toàn.
Nguyễn Thị Thảo Nhi, VCCINEWS, Tháng 9/2017
Công ty có nhiều lần thay đổi ngành nghề kinh doanh chính, tại đăng ký ngày 23/7/2021, Thanh Bình Phú Mỹ đổi từ Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác sang Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Về nguồn vốn, tại thay đổi gần nhất vào ngày 11/8/2023, Thanh Bình Phú Mỹ đã tăng vốn từ 1.600 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập không được tiết lộ. Tuy nhiên, dữ liệu Etime thấy, ở thời điểm cuối năm 2019, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi người đang nắm giữ vị trí Chủ tịch tịch Hội đồng quản trị (tính đến tháng 8/2021, sau thời gian này PV không có dữ liệu) đã thế chấp 14.460.252 cổ phiếu Thanh Bình Phú Mỹ đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng trong nhóm Big4.
Đại diện pháp luật của Công ty là bà Nguyễn Thị Thảo Nhi (SN 1971) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Dữ liệu cho thấy, bà Thảo Nhi còn là đại diện của nhiều pháp nhân khác như:
Công ty TNHH Bất động sản M&C (thành lập năm 2017) có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó bà Thảo Nhi góp 98%, cổ đông Nguyễn Quốc Bảo góp 2%.
Công ty cổ phần Long Thành City (thành lập năm 2019), trụ sở chính tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM. Ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ khi mới thành lập ghi nhận 200 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ góp 40%, Nguyễn Tiến Linh góp 30%, Trần Vĩnh Hải góp 30%.
Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Dịch vụ Công nghiệp (thành lập năm 2019) có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn khi mới thành lập đạt 150 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ góp 25%, Công ty TNHH Bất động sản M&C góp 10%, Tạ Quốc Bảo góp 2% và bà Nguyễn Thị Thảo Nhi góp 62%. Đến tháng 4/2019, Công ty tăng vốn đột ngột lên hơn 2.024 tỷ đồng và đến tháng 11/2021 vốn lại giảm xuống chỉ còn 160 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Bất động sản Konnection (thành lập năm 2020) cũng kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ công ty là 160 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Bất động sản M&C góp 2%, Công ty TNHH Đầu tư MCH góp 36% và bà Nguyễn Thị Thảo Nhi góp 62%.
Công ty TNHH Lotus Capital Việt Nam (thành lập năm 2021) ngành nghề hoạt động chính là tư vấn quản lý. Vốn điều lệ tại thay đổi tháng 3/2022 là 14,5 tỷ đồng, trong đó Lotus Capital Holdig PTE.LTD góp 49% và CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng dịch vụ công góp 51%.
Công ty TNHH Dịch vụ Logistics Medlog Phú Mỹ IDC (thành lập tháng 6/2023), trụ sở chính tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngành nghề hoạt động chính là bốc xếp hàng hóa. Vốn điều lệ của Công ty đạt 47 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ và bà Thảo Nhi mỗi bên góp 50%.