Thanh Hóa: Dân khốn đốn vì chính quyền hơn 10 năm không cập nhật dữ liệu
10 năm không có hộ khẩu thường trú ở bất kỳ đâu
Chị O.T.L (34 tuổi) cho biết, quê của chị ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Năm 2010 chị lấy chồng và xin chuyển khẩu về xã Thạch Sơn (Thạch Thành, Thanh Hóa). Các bước thủ tục, giấy tờ về cắt khẩu, nhập khẩu vợ chồng chị đều thực hiện đầy đủ và gửi về UBND xã Thạch Sơn.
Sau khi đầy đủ giấy tờ, chị L. được thêm tên vào sổ hộ khẩu của gia đình nhà chồng và có dấu xác nhận của UBND xã Thạch Sơn. Ai cũng đinh ninh, chị L. đã chính thức là công dân có khẩu ở Thanh Hóa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do Chứng minh nhân dân (CMND) hết hạn, chị L. về quê để xin cấp, đổi lại thì phía Công an xã Thạch Sơn, sau khi tra soát đã trả lời rằng: "Chị chưa nhập khẩu về Thanh Hóa do chưa được cập nhật dữ liệu lên huyện".
"Trước khi lên Công an huyện Thạch Thành làm giấy tờ, tôi phải qua xã để xin xác nhận. Phía công an xã sau một hồi kiểm tra, yêu cầu tôi ngồi tìm lại trong hồ sơ lưu trữ Giấy cắt khẩu từ công an Bắc Giang gửi về cách đây 10 năm. Sau khi rà soát, cũng lại phát hiện thêm, em dâu chồng tôi ở xã khác lấy chồng, xin nhập khẩu về đây 8 năm cũng chưa được nhập khẩu về đây", chị L. cho biết.
Chị L. cho biết thêm, dù chưa được nhập khẩu về gia đình chồng nhưng những khoản thuế, phí theo nhân khẩu nhà chồng chị và em dâu đều phải nộp đầy đủ.
Và hiện tại để làm được CMND, chị L. phải làm thủ tục nhập khẩu vào Thanh Hóa. Tuy nhiên,để đủ thủ tục nhập khẩu chị cần phải bổ sung hàng loạt các giấy tờ khác từ giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn của chồng, của anh, chị, em chồng, giấy khai sinh, giấy trích lục của con và của cả cháu...
"Công an xã kê khai rất nhiều giấy tờ, yêu cầu tôi phải bổ sung thì mới có thể nhập khẩu. Có nhiều giấy tờ phải làm lại như giấy khai sinh chồng tôi bị mất, giấy trích lục khai sinh của con, cháu phải xin lại, CMND của chị chồng tôi... Hiện tại, tôi còn có công việc ở Hà Nội, việc đi lại để hoàn thiện giấy tờ thật sự rất bất tiện, tốn thời gian, tiền bạc. Tôi không hiểu 10 năm qua, tôi chưa được nhập khẩu vào quê chồng”, chị L. bức xúc nói.
Chị L. cũng cho biết, khi thắc mắc về việc này, phía Công an xã giải thích rằng: “Đó là do công an thế hệ trước làm không đúng!”.
Chính quyền xã đổ lỗi cho "thế hệ trước"
Tương tự như vậy, vợ anh Tào Văn Hùng đã xin cắt khẩu ở xã Thạch Cẩm về xã Thạch Sơn 15 năm nay, tuy nhiên, đến thời gian gần đây UBND xã có đợt tổng kiểm tra giấy tờ thì mới phát hiện ra vợ anh chưa được nhập khẩu về nhà chồng do chính quyền xã chưa cập nhật dữ liệu lên tuyến trên.
Và để nhập khẩu, vợ anh Hùng phải bổ sung một loạt giấy tờ trong đó có tờ khai nhân khẩu. Thông tin trong tờ khai khẩu vợ chồng anh có thống kê cách đây vài năm đi làm ở miền Nam. Và phía UBND xã yêu cầu vợ chồng chị phải có giấy xác nhận từ phía chính quyền nơi chị tạm trú trong khoảng thời gian đó.
“Vợ chồng tôi đã về nhà từ 4 năm nay, và chủ nhà cho chúng tôi thuê ở thời gian làm ở miền Nam cũng không còn ở đó, vậy yêu cầu chúng tôi phải vào đó xin xác nhận từ 4 năm trước thì sao xin được.
Mẹ tôi đã phải đi lại cả tháng trời để làm thủ tục nhập khẩu cho vợ tôi. Lúc thì thiếu giấy tờ này, khi thì cần giấy tờ kia đến phát chán không muốn làm nữa. Mẹ tôi ở gần còn không muốn làm, vậy những người đang công tác ở các tỉnh khác thì phải khốn khổ thế nào về thủ tục, giấy tờ này”, anh Hùng nói.
Câu chuyện trên không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình chị L. hay anh Hùng mà rất nhiều hộ gia đình khác ở xã Thạch Sơn. Rất nhiều người tỏ ra bức xúc, chán ngán vì việc đi lại xác minh giấy tờ để hoàn thiện thủ tục.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, ông Đoàn Duy Phương - Chủ tịch xã Thạch Sơn (Thạch Thành, Thanh Hóa) thừa nhận “xảy ra nhiều tình trạng này”. Lý giải nguyên nhân, ông Phương cũng cho rằng do chính quyền xã ngày trước làm không quy củ! "Bản thân tôi cũng phải đứng ra giải quyết nhiều trường hợp còn rắc rối hơn của chị L., rất nhiều", ông Phương nói.
Trả lời câu hỏi vậy hướng giải quyết thế nào để thuận tiện nhất cho dân, ông Phương nói, với từng công dân đến làm lại giấy tờ đều đã được cán bộ kê khai, hướng dẫn đầy đủ các bước và tất nhiên không thể thiếu giấy tờ gì!
Câu hỏi đặt ra, những sai sót về khâu thủ tục hành chính từ phía chính quyền xã Thạch Sơn gây ra, ai phải chịu trách nhiệm? Hay những khó khăn, rắc rối này cuối cùng đổ hết đầu dân?!