Thành phố Huế dự kiến được chia thành 2 quận khi tỉnh TT-Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương

21/12/2022 11:11 GMT+7
Theo phương án được Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thống nhất cao, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến sẽ có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện, trong đó thành phố Huế hiện tại sẽ được chia thành 2 quận.

Ngày 21/12, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian tới cơ quan này sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến về phương án mô hình thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phố Huế dự kiến được chia thành 2 quận khi tỉnh TT-Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương. Ảnh: Thái Hùng.

Việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng...

Mới đây, phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Theo tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương có 2 phương án. Phương án 1, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Với phương án này, thành phố Huế sau khi sắp xếp sẽ có 32 phường,  chia thành 2 quận, gồm quận phía bắc gồm 13 phường, quận phía nam gồm 19 phường.

Dự kiến quận phía bắc sẽ được lấy một trong các tên gọi Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Giang, còn quận phía nam sẽ lấy một trong các tên gọi Thừa Thiên, Thuận Hóa, Ngự Bình.

Thành phố Huế dự kiến nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành 1 phường, nhập xã Hải Dương và phường Thuận An thành 1 phường và nhập 3 xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương thành 1 phường. Thành phố Huế cũng sẽ thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Bằng, phường Hương Phong trên cơ sở địa giới hành chính xã Hương Phong.

Thừa Thiên Huế cũng thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính huyện Phong Điền, thành lập quận Hương Thủy gồm 7 phường, nhập huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc thành 1 huyện mới. Thị xã Hương Trà sẽ có 10 đơn vị hành chính cấp xã do chuyển xã Dương Hòa từ Hương Thủy qua thị xã Hương Trà. 3 đơn vị hành chính cấp huyện được giữ nguyên là Quảng Điền, A Lưới và Phú Vang.

Thành phố Huế dự kiến được chia thành 2 quận khi tỉnh TT-Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 2.

Thành phố Huế dự kiến được chia thành 2 quận khi tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: CTV.

Theo phương án này, số đơn vị hành chính cấp huyện không tăng và số đơn vị hành chính cấp xã giảm 10 đơn vị.

Đối với phương án 2, Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Mô hình này tương tự phương án 1, chỉ giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà.

Về phương án lựa chọn tên gọi khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng có 2 phương án. Phương án 1 có tên gọi là  "thành phố Huế", phương án 2 là "thành phố Thừa Thiên Huế".

Góp ý vào các phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên, tại Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế mới đây, hầu hết các ý kiến đều có sự thống nhất cao với phương án 1 và đề xuất lấy tên gọi "thành phố Huế" khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, việc điều chỉnh, sắp xếp địa giới hành chính phải trải qua nhiều bước, thủ tục, trình tự khác nhau, trong đó phải bảo đảm được mục tiêu đưa tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương và sự hài hòa, hợp lý. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát trong việc xây dựng, hoàn thiện đề án, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương thẩm định.


Phong Cầm
Cùng chuyên mục