Thanh tra Chính phủ xác minh tài sản, thu nhập của 56 người có chức vụ, quyền hạn
Tổng thanh tra Chính phủ vừa ký Quyết định số 763/QĐ – TTg về việc xác minh tài sản, thu nhập đối 56 cá nhân đang công tác tại Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Trong số 56 cá nhân được chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập có 2 cá nhân đang công tác tại Thanh tra Chính phủ; 4 cá nhân đang công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông; 5 cá nhân đang công tác tại Bộ GTVT; 12 cá nhân đang công tác tại Bộ Công thương; 16 cá nhân đang công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10 cá nhân đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước; 2 cá nhân đang công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 2 cá nhân đang công tác tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 3 cá nhân đang công tác tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các cá nhân được chọn xác minh tài sản, thu nhập có chức vụ Vụ trưởng, Cục trưởng và tương đương; tại 3 Tập đoàn nhà nước có chức vụ Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên và Kế toán trưởng.
Tổ xác minh tài sản, thu nhập do ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ làm tổ trưởng; 2 tổ phó là 2 Phó cục trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ và 16 thành viên đến từ các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
Được biết, nội dung xác minh là tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các bản kê khai tài sản, thu nhập tính đến ngày 31/12/2022; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với bản kê khai tài sản, thu nhập. Thời hạn xác minh là 45 ngày kể từ ngày ban hành quyết định này.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định tài sản, thu nhập phải kê khai gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Có 4 phương thức kê khai tài sản, thu nhập. Thứ nhất là kê khai lần đầu, được áp dụng với cán bộ, công chức; sĩ quan công an, sĩ quan quân đội; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp .
Thứ hai là kê khai bổ sung, được thực hiện khi trong năm có biến động về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Thứ ba là kê khai hàng năm, được thực hiện đối với những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, hoặc phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng. Thứ tư là kê khai phục vụ công tác cán bộ, được thực hiện khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.
Dựa trên các bản kê khai, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tổ chức xác minh khi nhận thấy có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực; tăng tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên nhưng giải trình không hợp lý về nguồn gốc hoặc có tố cáo về việc kê khai không trung thực. Ngoài ra, việc xác minh còn được thực hiện theo diện hàng năm dưới hình thức bốc thăm ngẫu nhiên; hoặc khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.