Thanh tra chuyên ngành đột xuất với DN nợ tiền đóng BHXH từ 3 tháng trở lên
Theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt một số nội dung sau:
- Phân công lãnh đạo, cán bộ tăng cường triển khai công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, dữ liệu từ cơ quan quản lý lao động, Kế hoạch và Đầu tư để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Trong đó, phối hợp với các đại lý thu ưu tiên tuyên truyền vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập, người lao động đang bảo lưu, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm hoãn hợp đồng lao động, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, dạy nghề...
- Tăng cường công tác đôn đốc thu nợ tại các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả của Tổ thu nợ liên ngành, thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động.
Kiên quyết xử lý đối với các đơn vị vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề xuất xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trích Ngân sách địa phương hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua tặng thẻ BHYT cho người dân, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ.
- Giao Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ trước 16 giờ thứ sáu hằng tuần tổng hợp kết quả phát triển đối tượng, số thu của BHXH từng tỉnh báo cáo Tổng Giám đốc và thông báo đến Giám đốc BHXH tỉnh (Từ ngày 14/12/2020, thực hiện hằng ngày). Tham mưu, đề xuất Tổng Giám đốc khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm 2020.