Thâu tóm kem Wall's từ Unilever: Kido không ngờ đây lại là "phao cứu sinh"
Thương vụ "thâu tóm ngược"
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (thường được biết tới với tên cũ là Kinh Đô) nổi danh trong lĩnh vực bánh kẹo. Dù có rất nhiều đối thủ như Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà,… Kinh Đô luôn chứng minh mình xứng đáng đứng ở vị trí số 1. Thế nhưng, hàng chục năm trước đây, ở mảng kem, Kinh Đô lại không tạo được nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, năm 2003, Kinh Đô đã thực sự tạo nên một cú hích lớn trên thị trường khi thực hiện thương vụ "thâu tóm ngược". Gọi đây là "thâu tóm ngược" là vì thời điểm đó, thị trường chứng kiến nhiều đại gia ngoại ồ ạt thâm nhập thị trường và thâu tóm thương hiệu Việt.
Nhiều người tiếc nuối khi hàng loạt thương hiệu đình đám của Việt Nam đã được trao cho đại gia ngoại và "chết dần chết mòn". Mà kem đánh răng Dạ Lan là đại diện tiêu biểu nhất. Vì thế, việc Kinh Đô thâu tóm kem Wall's nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư tài chính cũng như dư luận.
Kem Wall's là sản phẩm do Unilever, ông lớn ngành hàng tiêu dùng đến từ Hà Lan sản xuất và phân phối. Unilever được coi là "cá mập" khi thực hiện hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp Việt. Ông lớn nafh đã đầu tư 20 triệu USD để xây dựng nhà máy kem Kem Wall's và nhanh chóng gặt hái được thành công.
Không lâu sau khi ra mắt Kem Wall's đã chiếm lĩnh phân nửa thị trường kem ở Việt Nam. Kem Wall's được lòng khách hàng vì hương vị đặc biệt và mẫu mã bắt, đa dạng. Mẫu mã là điều mà doanh nghiệp Việt "quên" khi sản xuất kem.
Dù bán chạy nhưng kem Wall's lại là gánh nặng khi gây thua lỗ cho Unilever. Có lẽ đó là lý do Unilever sẵn sàng "buông" kem Wall's dù đã thắng trong cuộc chiến thị phần. Còn mục đích Kinh Đô mua kem Wall's cũng không phải vì thương hiệu mà vì " sự liên kết nhân viên, nhà phân phối, hệ thống an toàn thực phẩm".
Sau khi về tay Kinh Đô, kem Wall's tăng mạnh về doanh, từ 90 tỷ đồng hồi năm 2003 lên khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2016. Sau 13 năm bán đi kem Wall's, Unilever sẵn sàng chi số tiền nhiều gấp 10 lần (200 triệu USD) để mua lại kem Wall's.
Câu trả lời của Kinh Đô đã rõ khi mà cho đến ngày nay, mảng kem ngày càng đóng vai trò quan trọng với Kido.
Kem trở thành "phao cứu sinh"
Kinh Đô ghi dấu ấn với những thương vụ "khủng". Sau khi "tạo sóng" với kem Wall's, năm 2015, Kinh Đô gây sốc khi bán 80% mảng bánh kẹo, "nồi cơm" chính của công ty cho đối tác ngoại Mondelez International với giá khoảng 370 triệu USD (gần 8.000 tỷ đồng). Đồng thời, Kinh Đô chính thức từ giã thương vụ do hai đại gia bánh kẹo Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên sáng lập để đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Kido (Kido Corporation).
Chưa hết, vài năm sau, Kinh Đô bán nốt 20% và "dứt duyên" hoàn toàn với bánh kẹo. Sau đó, Kinh Đô rốt ráo thực hiện thêm nhiều thương vụ thâu tóm khác để lấn sân sang mảng dầu ăn, thực phẩm tươi sống, đông lạnh,… Thế nhưng, những mảng mới của Kinh Đô chưa thực sự tạo được ấn tượng. Thậm chí thương hiệu mì ăn liền Đại gia đình còn ra đi không kèn không trống.
Trong lúc đó, kem mới là "phao cứu sinh" cho Kido.
Công ty thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) là đơn vị chịu trách nhiệm mảng kem sữa chua của Kido. KDF đang sở hữu 3 thương hiệu kem được biết đến nhiều nhất là Merino, Celano, Wel Yo. Theo Euromonitor 2019, Kido đang dẫn đầu ngành kem với 41,4% thị phần.
Theo báo cáo tài chính năm 2019 của KDF, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ và lợi nhuận năm 2019 của KDF lần lượt đạt 1.432 tỷ đồng và 143 tỷ đồng, Doanh thu của KDF chiếm 19,5 tổng doanh thu Kido nhưng lợi nhuận sau thuế chiếm tới 71,5% tổng lãi của Kido.
Nói cách khác, lợi nhuận gộp cận biên mà mảng kem, sữa chua, đồ đông lạnh cao áp đảo so với các mảng khác của Kido. Lợi nhuận gộp cận biên mà KDF mang lại là 60%, còn của cả Kido chỉ là 23,9% trong năm 2019.
Sang quý 1/2020, bất chấp đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, KDF dù giảm nhẹ về doanh thu nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Doanh thu thuần quý 1/2020 của KDF đạt 260 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, lợi nhuận trước thuế tăng 15,9% lên 27,3 tỷ đồng. KDF vẫn là đầu tàu tăng trưởng của Kido khi mà mảng dầu ăn ngày càng gặp nhiều khó khăn.