Thêm bằng chứng về khoảng cách giàu nghèo khó tin tại Trung Quốc
Kết quả khảo sát cho thấy mức chi bình quân của người Trung Quốc cho các hoạt động giải trí trong năm nay là khoảng 5.647 NDT (863 USD). Trong đó, cách biệt chi tiêu giữa người nghèo và người giàu là rất lớn. Trong số 12.000 người được hỏi, 22,7% cho biết họ chi từ 1.000-3.000 NDT mỗi năm cho giải trí, 10% chi từ 3.000-5.000 NDT, 11,1% chi từ 5.000 NDT - 10.000 NDT và 11,8% chi hơn 10.000 NDT. 44% dân số Trung Quốc chi ít hơn 1.000 NDT, 3,4% chi nhiều hơn 40.000 NDT và thậm chí có 4,1% người được hỏi cho hay họ không chi tiêu gì cho hoạt động giải trí.
Bà Luo Xiu (50 tuổi), một cư dân nông thôn ở tỉnh Giang Tây, Tây Nam Trung Quốc cho hay lần gần nhất bà chi tiền cho các hoạt động giải trí là món quà trị giá 80 NDT cho bữa tiệc cưới ở ngôi làng lân cận. “Tôi đã có một bữa ăn ngon và vui vẻ. Tôi nghĩ đó là khoản chi tiêu duy nhất trong thời gian rảnh rỗi của tôi suốt năm qua”.
“Phải mất hơn hai giờ lái xe từ làng tôi để đến được trung tâm thị trấn, và thêm hai giờ lái xe nữa mới đến được trung tâm quận. Đã rất nhiều năm, cha mẹ tôi không đến trung tâm quận mua sắm” - anh Zhao Liu, con trai bà Luo Xiu cho hay. “Có một quảng trường nhỏ vừa xây dựng gần đây để những người già trong làng tập thể dục hoặc chơi bài. Với những người trẻ, chúng tôi có thể dành thời gian để ngồi tại nhà sử dụng mạng xã hội giải trí thay cho các hoạt động khác”. “Chi phí sinh hoạt mỗi năm của cha mẹ tôi chỉ khoảng 3.000 NDT. Chi tiêu giải trí chiếm rất ít trong đó”.
Trung Quốc hiện là quốc gia có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD/ năm. Nếu tính theo quy mô GDP, đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ. Vấn đề của Trung Quốc là khoảng cách giàu nghèo ở tầm lớn nhất thế giới.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Công nghiệp Du lịch - Văn học Tencent, 44,4% người được hỏi - tương đương với 620 triệu dân Trung Quốc - chi dưới 1.000 NDT mỗi năm cho các hoạt động giải trí.
Trong khi Trung Quốc tìm cách phát triển tầng lớp trung lưu nhằm hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng thị trường nội địa mạnh mẽ tạo động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn vẫn là lực cản.
Mới đây nhất, hôm 26/12, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục khẳng định chính phủ sẽ tập trung vào kích thích tiêu dùng nội địa trong năm tới khi căng thẳng địa chính trị với Mỹ dự kiến kéo dài trong nhiệm kỳ Tổng thống đắc cử Joe Biden. Hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có thị trường nội địa rộng lớn, với 600 triệu dân có thu nhập bình quân hàng tháng từ 1.000 NDT (153 USD) trở lên.
Nhưng tuyên bố này cũng làm dấy lên tranh cãi về khoảng cách giàu nghèo tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi hơn 40% dân số Trung Quốc vẫn đang sống với thu nhập hàng ngày dưới 5 USD. Trong khi đó, các gia đình giàu có Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho du lịch quốc tế.
Ông Ning Jizhe, quan chức đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS hồi giữa tháng 5 từng phát biểu rằng Trung Quốc đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ 1.300 nghìn tỷ NDT (182 nghìn tỷ USD) dưới dạng cơ sở hạ tầng vào cuối năm 2019; ngụ ý rằng bình quân mỗi người dân Trung Quốc sở hữu khối tài sản cơ sở hạ tầng gần 1 triệu NDT. Tuyên bố này sau đó bị chế giễu rộng rãi trên cả nước vì một số lượng lớn người Trung Quốc ở các vùng nông thôn vẫn đang trong tình trạng đói nghèo.