Tháng 4, quá nhiều yếu tố tác động, giá cà phê sẽ ra sao?

02/04/2022 14:01 GMT+7
Tính đến ngày 15/03, xuất khẩu cà phê của ta đạt hơn 450 nghìn tấn, kim ngạch trị giá hơn 1 tỷ USD. Con số này tăng hơn 22% về lượng và 54% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó đem đến cái nhìn tích cực về triển vọng tiêu thụ...

Tháng 4, quá nhiều yếu tố tác động tới giá cà phê

Theo tổ chức cà phê thế giới, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong quý 1/2022 đã đạt 53.25 triệu bao, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động tiêu thụ cà phê trong giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Sang tháng 4, đây vẫn sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá cà phê neo ở mức cao do dịch bệnh và chiến tranh đang làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thúc đẩy chi phí vận chuyển leo thang.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê trên 2 sàn lại diễn biến trái chiều, giá cà phê Robusta giảm mạnh, còn Arabica tiếp tục tăng tốt.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục chịu tác động khi giá vàng và giá dầu thô tiếp tục sụt giảm trên thị trường thế giới. Đặc biệt là sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tung kho dầu dự trữ ra với định lượng 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nhằm kìm hãm áp lực lạm phát. Trong khi đó Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC+ cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2022 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch covid-19. Dòng vốn đầu cơ tiếp tục dịch chuyển về lại các sàn hàng hóa, trong đó có cà phê.

Trong khi nguồn cung Robusta bắt đầu trở nên dồi dào hơn từ các nhà sản xuất chính vào vụ thu hoạch, thì Arabica lại có diễn biến mới, khi với mức tăng trưởng tiêu thụ hàng năm lên tới hai con số, nhà sản xuất Indonesia tiếp tục nhập khẩu cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao của các nước khu vực Nam Mỹ và ưu tiên cung ứng cà phê Robusta vụ mới của mình cho ngành công nghiệp trong nước với mức chệnh lệch cộng hơn 250 USD/tấn so với giá kỳ hạn tại London.

Khảo sát phiên giao dịch phiên sáng ngày 2/4, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2022 giảm 26 USD/tấn ở mức 2.139 USD/tấn, giao tháng 7/2022 giảm 22 USD/tấn ở mức 2.130 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 tăng 2 cent/lb, ở mức 228,4 cent/lb, giao tháng 7/2022 tăng 2 cent/lb ở mức 228,45 cent/lb.

Tháng 4, quá nhiều yếu tố tác động, giá cà phê sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Sang tháng 4, đây vẫn sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá cà phê neo ở mức cao do dịch bệnh và chiến tranh đang làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thúc đẩy chi phí vận chuyển leo thang.

Tháng 4, quá nhiều yếu tố tác động, giá cà phê sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Tháng 4, quá nhiều yếu tố tác động, giá cà phê sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Như vậy, phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Arabica tiếp chuỗi đà tăng, lên cao nhất 3 tuần qua, trong khi Robusta giảm khá mạnh. Sỡ dĩ có hiện tượng trái chiều là do thông tin thời tiết của 2 vùng trồng cà phê.

Theo đó, thông tin khô hạn tại các vùng trồng Arabica của Brazil, cộng với tình trạng thiếu phân bón khiến cho những lo ngại về sản lượng suy giảm gia tăng. Cùng với đó, đồng nội tệ của Brazil mạnh lên cũng đẩy giá Arabica tăng cao trong những phiên vừa qua.

Với Robusta, những trận mưa lớn ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam đang làm giảm áp lực tưới cà phê vụ mới, giảm chi phí cho nông dân. Còn vụ cà phê Robusta của Brazil dự kiến sản lượng tăng, lên tới 22 triệu bao. Thông tin trên khiến các nước Brazil và Indonesia tăng cường bán mạnh làm giá loại cà phê Robusta quay đầu giảm trong phiên vừa qua.

Những lo ngại về nguồn cung còn quay trở lại thị trường Arabica do tồn kho trên Sở ICE giảm liên tiếp trong 3 phiên gần đây sau khi duy trì đà hồi phục từ đầu tháng 3. Ngoài ra, giá cước vận chuyển sẽ còn tiếp tục tăng do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển của Trung Quốc. Cụ thể, nhằm kiểm soát dịch bệnh, nước này đã phong toả một nửa thành phố Thượng Hải, từ đó khiến cho khả năng ùn tắc tại các cảng biển tăng cao, đặc biệt là khi nước này vừa kết thúc phong toả thành phố Thâm Quyến. Điều này sẽ làm tăng phí vận chuyển và từ đó khiến cho giá hàng hoá trở nên đắt đỏ hơn.

Ngoài ra, việc đồng Reals của Brazil thiết lập đỉnh mới trong vòng 2 năm trở lại đây sau khi Brazil mạnh tay nâng lãi suất cơ bản cũng đang là yếu tố hỗ trợ đà tăng cho giá mặt hàng cà phê Arabica.

Tháng 4, quá nhiều yếu tố tác động, giá cà phê sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Cà phê của Việt Nam cần tránh việc bị đua nhau bán tháo, tạo sức ép lên sàn Robusta, gây hiệu ứng dây chuyền lên giá cà phê trong nước.

Cà phê của Việt Nam cần tránh việc bị đua nhau bán tháo

Đối với mặt hàng cà phê Robusta, nước xuất khẩu số 1 trên thế giới là Việt Nam cho biết, tính đến ngày 15/03, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 450 nghìn tấn, kim ngạch trị giá hơn 1 tỷ USD. Con số này tăng hơn 22% về lượng và 54% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó đem đến cái nhìn tích cực về triển vọng tiêu thụ. Tuy nhiên do thị trường chuẩn bị đón nhận nguồn cung từ Brazil và Colombia nên đà tăng của giá sẽ bị kìm hãm so với mặt hàng Arabica.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng cao hơn sản lượng nên trị giá xuất khẩu bình quân nhóm hàng cà phê cũng tăng cao lên mức 2.237 USD/tấn, tăng 26,45%, tương đương con số tăng thêm gần 500 USD/tấn.

Hiện, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam hết sức đa dạng trải rộng ở nhiều châu lục. Trong đó, các thị trường lớn có thể kể đến như: Đức, Bỉ, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ…

Với sự khởi đầu ấn tượng này, cà phê đã vượt qua nhóm hàng rau quả để đứng thứ 3 về quy mô kim ngạch trong lĩnh vực nông nghiệp (sau nhóm hàng gỗ; thủy sản). Đây cũng là 3 nhóm hàng cán mốc “tỷ USD” của lĩnh vực nông nghiệp tính từ đầu năm đến nay.

Hiện, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới do cơ chế trừ lùi. Cụ thể, giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn.

Do vậy, để đạt con số xuất khẩu 6 tỷ USD như mục tiêu, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để nâng tỷ trọng cà phê chế biến là một thách thức lớn với doanh nghiệp do trình độ công nghệ, vận hành nhà máy phức tạp và nhận thức của nông dân. Mặt khác, muốn phát triển ngành hàng cà phê thì cần đi theo hướng chế biến để đạt giá trị cao.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất với cà phê tới đây là chi phí vận chuyển. Cước tàu biển thời gian trước mắt và đường dài (trong vòng vài ba năm nữa) chưa chắc đã giảm dù khủng hoảng logistics có được giải quyết xong hay không.

Nhiều hãng kinh doanh tàu biển cho biết đã trả tiền thuê tàu cao không chỉ riêng cho thời gian còn lại trong năm nay mà còn đến năm 2025. Do đó, giá cước tàu sẽ còn ảnh hưởng rất mạnh tới giá cà phê.

Trước mắt, thị trường cà phê Robusta còn chuẩn bị tiếp nhận những đợt cung ứng lớn từ hai nước Brazil và Indonesia, xếp vị trí thứ hai và ba sau Việt Nam.

Cho nên, cà phê của Việt Nam cần tránh việc bị đua nhau bán tháo, tạo sức ép lên sàn Robusta, gây hiệu ứng dây chuyền lên giá cà phê trong nước. Dự kiến, giá cà phê Robusta trong nước vẫn có khả năng đứng vững trên 42 triệu cho đến 43 triệu/tấn, thậm chí có thể vượt mức cao này nếu có tin ảnh hưởng đến cán cân cung-cầu.

Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 9h00, giá cà phê hôm nay giảm 300 đồng/kg. Giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 41.500 đồng/kg, giá thấp nhất  tại tỉnh Lâm Đồng là 40.800 đồng/kg.

Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay (2/4) giá cà phê ở Lâm Đồng giảm 300 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 40.900 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 40.800 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk giảm 300 đồng/kg, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 41.500 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 41.400 đồng/kg. 

Giá cà phê tại Gia Lai giảm 300 đồng/kg, giá ở Pleiku là 41.400 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 41.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông giảm 300 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 41.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum giảm 300 đồng/kg, dao động ở  41.300 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM giảm 300 đồng/kg, dao động ở ngưỡng  45.400 đồng/kg.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục