Thị phần thiết bị mạng 5G của Huawei và ZTE tăng nhanh bất chấp danh sách đen

01/09/2019 07:58 GMT+7
Bất chấp căng thẳng gia tăng trong xung đột Mỹ Trung, hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc là Huawei và ZTE vẫn thành công mở rộng thị phần trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu trong nửa đầu năm 2019.

Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đã chứng kiến thị phần trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019 đạt 28,1%, tăng 1,1% so với thị phần tính đến cuối năm 2018, theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu Dell’Oro Group có trụ sở tại California. Thành lập năm 1995, Dell’Oro Group hiện là tập đoàn nghiên cứu thị trường hàng đầu trong ngành công nghiệp viễn thông thế giới.

Cũng theo báo cáo của Dell’Oro Group, ZTE - công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc từng lọt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ - cũng chứng kiến thị phần tăng từ 8% hồi tháng 12.2018 lên 9,6% tính đến hết quý II.2019.

Sự gia tăng thị phần của Huawei và ZTE đều được củng cố bởi các đơn đặt hàng thiết bị mạng 5G từ các khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Như vậy, bất chấp việc Mỹ đưa ra cảnh báo nguy cơ an ninh quốc gia khi sử dụng thiết bị mạng Huawei, hai tập đoàn Trung Quốc này vẫn thành công ký kết nhiều hợp đồng phát triển mạng 5G trên thế giới.

Được coi là thế hệ mạng tiếp theo và tiên tiến nhất thời điểm hiện tại, 5G có khả năng cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh gấp 100 lần so với mạng 4G. Cách thức hoạt động của 5G sẽ thay đổi hoàn toàn các kết nối Internet, không chỉ trên smartphone mà còn các thiết bị điện tử khác như TV, xe hơi…, thậm chí cả hệ thống đèn đường. Nhìn chung, 5G được đánh giá là “xương sống” cho ngành công nghiệp Internet thời đại mới.

Đối diện khủng hoảng sinh tử, Huawei vẫn "sống khỏe"

Nhiều nhà khai thác mạng viễn thông trên khắp thế giới đã bắt tay vào thử nghiệm, triển khai công nghệ 5G với mục tiêu phủ sóng 5G toàn quốc gia trong năm 2020. Trong đó, 3 nhà cung cấp thiết bị viễn thông nổi bật nhất trên thị trường 5G có thể kể tới Huawei, Nokia và Ericsson. 

Những tưởng Huawei sẽ thất thế trong cuộc đua thị phần 5G sau khi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ từ tháng 5, nhưng gã khổng lồ công nghệ vẫn cho thấy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Hồi tháng 7, Huawei công bố kết quả doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 401,3 tỷ NDT (56,1 tỷ USD), tăng 23,2% so với mức doanh thu 325,7 tỷ NDT cùng kỳ năm ngoái. Huawei lý giải việc nguồn doanh thu tăng chủ yếu nhờ doanh số smartphone tăng đột biến tại thị trường trong nước và các hợp đồng 5G trên toàn thế giới. 

Jimmy Yu và Stefan Pongratz, hai nhà phân tích từ Dell’Oro Group nhận định dường như Huawei đã tránh được những tác động tiêu cực từ danh sách đen của Mỹ mà không phải chịu tổn thất nào quá nặng nề. Dù cho CEO Huawei mới đây cho rằng tập đoàn đang đứng trước cuộc khủng hoảng sinh tử vì phải vật lộn với danh sách đen, thì doanh số Huawei vẫn tăng trưởng đều đều.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Huawei vẫn giữ ngôi vương trên thị trường thiết bị mạng 5G với tổng số 50 hợp đồng được công bố. Nokia của Phần Lan xếp thứ hai với 43 hợp đồng, chiếm thị phần 15,7%, giảm 1,1% so với thị phần 16,8% hồi cuối năm 2018. Ericsson hiện nắm trong tay 22 hợp đồng thương mại 5G, chiếm thị phần 13,1%, giảm từ mức 13,6%. Tuy nhiên, Dell’Oro Group vẫn chỉ ra xu hướng tăng số lượng hợp đồng của một số nhà cung cấp như Nokia, qua đó nhận định rằng ước tính nửa đầu năm 2019 có thể chưa toàn bộ tình hình cạnh tranh và thị phần trên thị trường mạng viễn thông cho đến thời điểm hiện tại.

Cũng trong tuần này, Bộ Thương mại Mỹ cho hay đã nhận được 130 yêu cầu cấp giấy phép đặc biệt để giao dịch với Huawei từ các công ty Mỹ. Dường như, chính Doanh nghiệp Mỹ mới là kẻ “sốt sắng” vì mất đi đối tác Huawei. Chỉ tính riêng năm 2018, Huawei đã rót vào túi Doanh nghiệp Mỹ 11 tỷ USD trong tổng số 70 tỷ USD mà hãng chi cho nhập khẩu linh kiện, công nghệ nước ngoài.

ZTE “hồi sinh” từ nghịch cảnh

Jimmy Yu và Stefan Pongratz cũng đánh giá mức tăng thị phần 9,6% mà ZTE đạt được là cực kỳ ấn tượng, sau khi công ty này gần như kiệt quệ vì rơi vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Các hoạt động chính của ZTE khi đó gần như tê liệt trong 4 tháng vì không thể nhập khẩu phần mềm, phần cứng, linh kiện và công nghệ từ đối tác Mỹ. Nhưng sau khi chấp nhận những điều khoản ngặt nghèo từ Mỹ để được kết thúc lệnh hạn chế thương mại, doanh thu của ZTE tăng trưởng ngoạn mục gần như ngay lập tức, một minh chứng tuyệt vời cho sự trung thành của khách hàng ZTE.

Chỉ trong quý II.2019, lợi nhuận ròng của ZTE đã đạt 607 triệu NDT, phục hồi từ khoản lỗ 2,4 tỷ NDT cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý II.2019 tăng 188% từ 11,9 tỷ NDT hồi năm ngoái lên 22,4 tỷ NDT, một con số ngoạn mục. 

Thị trường cơ sở hạ tầng thiết ị mạng 5G toàn cầu được dự báo sẽ mở rộng giá trị lên mức 22,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ mức 1,3 tỷ USD hồi cuối năm ngoái, theo ước tính được công bố trong tháng 7 của công ty nghiên cứu Zion Market Research có trụ sở tại Mỹ.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục