Thị trường bất động sản năm 2023 nhiều tín hiệu khởi sắc liệu có “sốt đất”?
Hiện nay, theo nhiều chuyên gia chia sẻ phần lớn các doanh nghiệp phát triển thị trường bất động sản chỉ có sẵn khoảng 20% tiền mặt để giải phóng mặt bằng, còn lại 80% số tiền phát triển dự án là phải đi vay. Trong đó, hai kênh dẫn vốn quan trọng nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản.
Tuy nhiên, trong năm 2022, cả hai kênh dẫn vốn này đều bị siết chặt đối với thị trường bất động sản, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn buộc phải dừng, giãn tiến độ hoặc hoãn dự án. Trong khi đó, người mua bất động sản cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bị hạn chế nhu cầu vay do lãi suất ngân hàng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, những quy định pháp lý về Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các luật liên quan đến bất động sản còn chồng chéo, mâu thuẫn là rào cản trong việc phê duyệt dự án. Điều này càng tạo sức ép, gây khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những chỉ đạo từ Chính phủ trong thời gian qua là những tín hiệu tích cực, cơ hội để các dự án bất động sản giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Theo đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án, là cơ sở để thị trường bất động sản 2023 có cơ hội hồi phục, chuyển biến, thậm chí là "đảo chiều" từ trầm lắng sang khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, nền kinh tế trong và ngoài nước đang gặp phải những khó khăn nhất định, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá đầu vào các dự án. Ngược lại, bất động sản không thể tăng giá vì không bán được hàng. Điều này gây ra sức ép lớn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
"Khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi. Song, ông cho rằng sẽ không có chuyện "sốt đất" xảy ra như đầu năm nay 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ", ông Đính nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ sang trang mới khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ; nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.
Còn ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Thủ Tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp, biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản.
"Các bộ ngành và doanh nghiệp cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường bất động sản có thể phục hồi trong quý III/2023", ông Lực chia sẻ.