Triển vọng tiêu thụ kém khả quan, thị trường bị "đè nặng", giá cà phê sẽ ra sao?
Đà giảm giá cà phê vẫn còn khi áp lực nguồn cung vẫn giữ nguyên
Đầu tháng 3/2022, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới giảm mạnh. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, khiến dòng vốn đầu cơ ồ ạt đổ vào các mặt hàng tăng nóng như vàng, dầu thô...
Trên sàn giao dịch London, ngày 8/3/2022, giá cà phê Robusta giao ngay giảm 4,4% so với ngày 28/2/2022, xuống còn 2.192 USD/tấn; các kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022, tháng 9/2022 cùng giảm 6,6% so với ngày 28/2/2022, xuống còn lần lượt 2.035 USD/tấn, 2.014 USD/ tấn, 2.009 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/3/2022, giá cà phê Arabica giao ngay giảm 6,1% so với ngày 28/2/2022, xuống còn 225,5 Uscent/lb; các kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 6,0%, 5,9% và giảm 5,8% so với ngày 28/2/2022, xuống mức 224,25 Uscent/lb, 223,1 Uscent/lb và 221,9 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 8/3/2022, giá cà phê giao ngay giảm 6,2% so với ngày 28/2/2022, xuống còn 271 Uscent/lb; các kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 5,8%, 6,5% và giảm 5,3% so với ngày 28/2/2022, xuống còn 275,55 Uscent/lb, 267,05 Uscent/lb và 276,95 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.090 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 143 USD/tấn (tương đương mức giảm 6,4%) so với ngày 28/2/2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/3, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London có đảo chiều tăng trở lại, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 72 USD (3,46%), giao dịch tại 2.153 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 73 USD (3,56%) giao dịch tại 2.126 USD/tấn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp dưới trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tăng, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 7,1 Cent (3,36%), giao dịch tại 218,25 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 7,2 Cent (3,42%), giao dịch tại 218,00 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh hơn Robusta.
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ giảm, chi tiêu bị thắt chặt trong ngắn và trung hạn đã thúc đẩy các nhà đầu cơ mạnh tay thanh lý khiến giá cà phê Arabica New York giảm xuống mức thấp 2 tháng, trong khi giá cà phê Robusta London ngấp nghé ngưỡng tâm lý 2.000 USD/tấn. Các chuyên gia dự kiến đà giảm giá cà phê trở lại vẫn còn khi áp lực nguồn cung vẫn còn nguyên.
Xuất khẩu giảm, giá cà phê Việt Nam khó có đột biến
Đầu tháng 3/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối tháng 2/2022 theo xu hướng giá thế giới. Ngày 8/3/2022, giá cà phê tại thị trường nội địa giảm 1.200 đồng/kg so với ngày 28/2/2022, mức cao nhất là 39.800 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 39.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 39.700 đồng/kg.
Đến hôm qua (17/3) giá cà phê bất ngờ đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm thuộc khu vực Tây Nguyên sau khi giảm mạnh vào hôm qua. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Nhỉnh hơn là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 41.400 đồng/kg. Tương tự, sau biến động, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đang ở mức 41.500 đồng/kg trong hôm nay. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 139,37 nghìn tấn, trị giá 321,32 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với tháng 1/2022, tuy nhiên so với tháng 2/2021 tăng 13,5% về lượng và tăng 48,8% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 370,87 nghìn tấn, trị giá 823,1 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và tăng 65,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng lớn bởi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Mặc dù Nga là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 7 của Việt Nam, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nga chỉ chiếm 4,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.306 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 1/2022 và tăng 31,1% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.219 USD/tấn, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường, tháng 2/2022 so với tháng 2/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang một số thị trường chủ lực tăng mạnh, trong khi xuất khẩu sang Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, Philipines, Hàn Quốc giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ Ý, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.
Thị trường đang đứng trước lo ngại về giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, do đó việc tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như cà phê sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
Đối với 2 quốc gia dẫn đầu trong việc xuất khẩu Arabica là Brazil và Colombia, hiện tượng thời tiết LaNiNa dự kiến sẽ kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 8, là giai đoạn thu hoạch cà phê niên vụ 2022/2023. Thời tiết khô ráo sẽ thúc đẩy quá trình thu hoạch và hỗ trợ các quốc gia này sớm đưa nguồn cung ra thị trường.
Ngoài ra, việc đồng Reals của Brazil suy yếu cũng đã khuyến khích người dân đẩy mạnh việc bán hàng niên vụ 2021/2022. Trong khi đó, tồn kho cà phê Arabica trên Sở ICE vẫn tiếp tục tăng và đã đạt mức 1.06 triệu bao. Cung tăng trong khi cầu giảm là yếu tố chính lý giải cho áp lực bán mạnh lên thị trường Arabica trong thời gian vừa qua.