Thị trường chứng khoán 12/5: Xu hướng tích cực đang hiện hữu

12/05/2020 06:16 GMT+7
Thị trường chứng khoán 12/5 tiếp tục lạc quan. Dòng tiền đổ vào thị trường là khá mạnh và đang hấp thụ tốt lực bán chốt lời. Xu hướng tích cực vẫn đang hiện hữu và chưa có dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán 12/5 được các công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI), Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá sẽ tiếp tục lạc quan.

TVSI: Hạn chế mua đuổi

VN-Index đóng cửa tại 828,33 điểm, tăng 14,6 điểm. Độ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về số mã tăng giá. Trong đó Ngân hàng, Chứng khoán và Dầu khí là tâm điểm thị trường phiên hôm nay

Thanh khoản đạt 4.486 tỷ, giảm 28,7% sau phiên tăng mạnh trước đó nhưng vẫn duy trì trên mức bình quân 20 phiên gần nhất giúp củng cố nhịp tăng giá của thị trường.

Thị trường chứng khoán 12/5: Xu hướng tích cực đang hiện hữu - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán 12/5 tiếp tục lạc quan.

Diễn biến tăng giá mạnh mẽ được duy trì sau khi chỉ số bứt phá thành công khỏi vùng kháng cự 780 – 810 điểm. Đà tăng dự báo sẽ tiếp tục trong ngắn hạn với mục tiêu là vùng giá 850 – 870 điểm. Tuy nhiên chúng tôi lưu ý về khả năng xuất hiện những nhịp rung lắc trong quá trình đi lên do sự gia tăng của áp lực chốt lời ngắn hạn.

NĐT có thể duy trì nắm giữ đối với các vị thế đã mua trước đó, tuy nhiên hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ gần nhất 780 - 810 điểm, vùng kháng cự 850 – 870 điểm.

Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:                   

Nhóm Ngân hàng ghi nhận sắc xanh trên diện rộng. Thanh khoản duy trì ở mức cao giúp củng cố nhịp tăng giá ngắn hạn. Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục lưu ý về triển vọng kinh doanh không thực sự tích cực sẽ khiến cho nhóm này khó tiến xa trong thời gian tới.

Nhóm Dầu khí hình thành nhịp tăng giá ngắn hạn sau khi bứt phá khỏi dao động giằng co với thanh khoản lớn.

Nhóm Chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực nhờ hiệu ứng từ thị trường chung cũng như kỳ vọng hoạt động tự doanh sẽ tích cực trở lại sau quý 1 thua lỗ. Đà tăng dự báo có thể duy trì trong những phiên tới.

BVSC: Có thể rung lắc

Vn-Index dự báo có thể rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự gần 832-835 điểm trong phiên kế tiếp. Về tổng thế, sau khi bứt phá thành công qua vùng cản 800-820 điểm, thị trường sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 860-880 điểm trong ngắn hạn.

Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng cũng sẽ là các yếu tố có thể tác động không tốt đến diễn biến giá cổ phiếu.

Chiến lược đầu tư:

- Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-35% cổ phiếu.

- Nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua trading khi chỉ số kiểm định lại vùng hỗ trợ 800-820 điểm. Đối với các vị thế ngắn hạn đang có trong danh mục, nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét bán trading một phần vị thế ở các vùng giá cao trong các phiên thị trường tăng điểm tại vùng kháng cự 845-860 điểm.

VDSC: Xu hướng tích cực đang hiện hữu

VN-Index tiếp tục tăng điểm phiên thứ 4 bất chấp dấu hiệu rung lắc và đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên. Chỉ báo kỹ thuật MACD tiếp tục tăng, RSI tăng và áp sát vùng 70. Điều này cho thấy xu hướng tăng điểm của VN-Index vẫn đang được mở rộng. Với xu thế tăng đang khá mạnh, dự kiến chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm bất chấp dấu hiệu rung lắc và hướng đến vùng cản 835-845 điểm trong thời gian gần tới.

HNX-Index tiếp tục tăng điểm phiên thứ 4 và vượt nhẹ ngưỡng cản 111.3 điểm. Chỉ báo kỹ thuật MACD tăng vượt đường tín hiệu, RSI tăng và áp sát vùng cản 65. Điều này cho thấy xu hướng tăng điểm của HNX-Index vẫn đang được mở rộng. Dự kiến chỉ số sẽ có sự rung lắc mạnh trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng nhìn chung vẫn được hỗ trợ và dần tăng điểm trong ngắn hạn.

Tiếp tục là một phiên tăng điểm trên diện rộng, cho thấy sự hào hứng với cổ phiếu của nhà đầu tư. Dòng tiền đổ vào thị trường là khá mạnh và đang hấp thụ tốt lực bán chốt lời. Xu hướng tích cực vẫn đang hiện hữu và chưa có dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.

Tiểu My
Cùng chuyên mục