Thị trường chứng khoán 4/8: Hạn chế mua đuổi
TVSI: Hạn chế mua đuổi
VN-Index đóng cửa tại 814,65 điểm, tăng 16,26 điểm. Hiệu ứng tích cực lan tỏa giúp độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã tăng giá.
Thanh khoản đạt 3.507 tỷ, tăng 10,2% hỗ trợ diễn biến hồi phục của chỉ số. Tuy nhiên thanh khoản vẫn duy trì dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất cho thấy tâm lý thận trọng vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Trong phiên tiếp theo, chỉ số có thể duy trì diễn biến tăng điểm. Tâm lý hưng phấn có thể giúp chỉ số vượt lên trên vùng kháng cự 800 – 820 điểm. Tuy nhiên kịch bản hồi phục mạnh mẽ chưa được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại. Xu hướng ngắn hạn dự báo tiếp tục đi ngang.
Chúng tôi cho rằng NĐT không nên vội mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ 750 – 770 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 690 – 710 điểm. Vùng kháng cự 800 – 820 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
Nhóm Dệt may ghi nhận sắc xanh ở nhiều cổ phiếu. Mặc dù vậy đà tăng chủ yếu nhờ hiệu ứng tích cực từ thị trường chung. Triển vọng kinh doanh kém khả quan khiến cho khả năng bứt phá mạnh khó hình thành.
Nhóm Khu công nghiệp tăng mạnh. SZC, LHG, IDV, PHR là những cổ phiếu được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại. Trong đó SZC, LHG và IDV vẫn đang duy trì được xu hướng tăng giá ngắn hạn.
Nhóm Dầu khí tăng giá tốt. Diễn biến giá trong những phiên gần đây không thực sự khả quan. Tuy nhiên trong bối cảnh thiếu vắng yếu tố tác động mạnh, nhóm này dự báo vẫn sẽ giữ được xu hướng đi ngang trong thời gian tới.
BVSC: Sớm chịu áp lực rung lắc
Về diễn biến nhóm ngành, cả 10 trên 10 nhóm ngành tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Dẫn đầu là ngành Công Nghiệp (+3,47%) – được hỗ trợ bởi HPG (+5,53%), GEX (+4,59%) và REE (+3,85%). Ở vị trí thứ hai là ngành Viễn Thông (+3,15%) – do sự tăng điểm của FPT (+3,15%).
Thị trường chứng khoán 4/8 dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm để tiến đến thử thách vùng kháng cự 820-830 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ sớm chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự trên. Kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn thoái trào và không còn tạo nhiều sức ảnh hưởng đối với thị trường. Trong giai đoạn này, thị trường sẽ tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ nên biến động của thị trường dự kiến sẽ chịu sự chi phối chính từ những diễn biến mới của dịch Covid-19. Đồng thời, diễn biến thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-45% cổ phiếu.
- Các nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để mở các vị thế mua trading ngắn hạn.
VDSC: Rủi ro vẫn đang tiềm ẩn
VN-Index tiếp tục tăng +16,26 điểm (+2,040%) ở ngày hôm nay, đóng cửa tại 814,65. Đi kèm với điểm số thì thanh khoản cũng đã có phần tăng nhẹ theo với hơn 224 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Mở cửa đầu tuần chỉ số VN-Index đã có mức tăng ấn tượng, tuy nhiên dù tăng điểm nhưng chỉ số này vẫn đang đi sideway trong biên độ 780-820. Các chỉ báo xu hướng như MACD và ADX vẫn chưa có tín hiệu cho xu hướng đã đảo chiều sau đợt suy giảm mạnh vừa qua. Như vậy, chỉ số Vnindex cần phải vượt vùng 821 để xác định trend tăng trở lại, còn nếu không thể vượt lên trên thì chỉ số VN-Index vẫn đang đi ngang để tiếp tục xu hướng giảm.
HNX-Index đóng cửa với mức tăng 2,92 điểm (+2,72%), chốt phiên tại vùng 110,43. Thanh khoản của ngày hôm nãy cũng đã nhích nhẹ lên so với ngày hôm trước. Chỉ số HNX index đã vượt vùng 107 và đóng cửa tại mức cao 110 nhưng vẫn dưới vùng kháng cự mạnh 111-112, dây cũng là điểm tích cực của sàn HNX. Trong đồ thị kỹ thuật, các chỉ báo ADX, MACD đang có dấu hiệu chuyển đổi từ trạng thái tiêu cực sang trạng thái trung lập. Tuy nhiên cũng chưa thể xác định chỉ số này đã đảo chiều xu hướng, đây chỉ là nhịp phục hồi nhỏ và cần vượt vùng 111-112 với khối lượng giao dịch lớn để xác nhận xu hướng tăng trở lại.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng trên HOSE sau phiên bán ròng, nhưng giá trị chỉ ở mức khiêm tốn, với 13,2 tỷ. Nổi trội là HPG (+30,3 tỷ), tiếp đến là VCB (+14,3 tỷ), PHR (+9,8 tỷ), STB (+9,3 tỷ), PLX (+8,5 tỷ) ... Phía bán ròng, tập trung nhiều ở VHM (-31,1 tỷ), SAB (-19,2 tỷ), MSN (-15,7 tỷ), VRE (-14,9 tỷ), VNM (-14,3 tỷ) ...
VN-Index thêm 1 lần nữa áp sát và kiểm tra vùng 815 điểm và nhịp hồi phục kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý áp lực bán tại vùng 815-822 điểm dự kiến ở mức cao và rủi ro vẫn đang tiềm ẩn sau khi nhịp hồi phục kỹ thuật kết thúc. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và nên đưa danh mục về mức an toàn cho đến khi tín hiệu xu hướng của thị trường được cải thiện