Thị trường Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam

22/08/2024 08:51 GMT+7
Trong tháng 7/2024, ngành tôm Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục mới, với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 375 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là tháng có giá trị XK cao nhất và tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK tôm đã vượt qua con số 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tiêu thụ tôm của Việt Nam trong tháng 7/2024 ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể ở hầu hết các khu vực lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, và EU. Đặc biệt, các thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc, dù trước đó có sự suy giảm hoặc tăng trưởng chậm, cũng đã bắt đầu phục hồi với mức tăng trưởng hai con số trong tháng này.

Theo VASEP, sự tăng trưởng này phần lớn là do tồn kho đã giảm bớt, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu tăng lên để đáp ứng nhu cầu trong các dịp lễ cuối năm. Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu từ các quốc gia sản xuất, bao gồm cả Việt Nam, cũng có xu hướng tăng, tác động tích cực đến giá trị XK.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 7/2024 đã đạt 89 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, XK tôm sang Mỹ đã đạt 391 triệu USD, tăng 4% so với năm trước. Nguyên nhân chính là do lượng tồn kho tại Mỹ đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng hóa trước mùa lễ hội cuối năm. Đồng thời, tình hình kinh tế tại Mỹ có nhiều dấu hiệu khả quan, như doanh số bán lẻ tăng nhẹ, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đối với thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, XK tôm của Việt Nam trong tháng 7/2024 đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 7 tháng, kim ngạch XK đạt 399 triệu USD, tăng 18% so với năm trước. VASEP lý giải, sự phục hồi này phần lớn do nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc tăng lên, trong khi Ecuador, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, gặp khó khăn bởi các quy định kiểm tra nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, VASEP cũng cảnh báo rằng ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các chiến lược như ký hợp đồng dài hạn và tăng cường dự trữ nguyên liệu, nhằm chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra.

Ngành tôm Việt Nam hy vọng rằng những tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế toàn cầu và các thị trường nhập khẩu chính sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực, giúp đạt được các mục tiêu đã đề ra cho năm nay.

Mi Lan
Cùng chuyên mục