Thoát thuế quan bổ sung của Mỹ, hoạt động sản xuất Trung Quốc tăng nhanh nhất trong hơn 2 năm?
Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc Caixin/Markit hiện ở mức 51,7 trong tháng 10 do sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các đơn hàng sản xuất và sản phẩm bán ra. Kết quả này cao hơn hẳn ước tính của các nhà phân tích Reuters là 51,0 đến 51,4. Theo IHS Market, nguyên nhân khiến PMI tháng 10 tăng vọt là những tín hiệu tích cực trong thương mại xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, kết quả này đi ngược lại với dữ liệu PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc do Cục Thống kê công bố hôm 31/10. Theo Cục Thống kê, PMI sản xuất của nước này trong tháng 10 chỉ đạt 49,3 - tức giảm mạnh so với mức 49,8 hồi tháng 9, qua đó thể hiện sự thu hẹp đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc. Nguyên nhân khác biệt là do khảo sát chính thức của PMI thường thăm dò chủ yếu trong các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước còn khảo sát của Caixin lại được thực hiện ở doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế, chỉ số PMI được đo lường trong khoảng từ mức 0 đến 100, trong đó 50 là mức trung lập cho thấy sự duy trì ổn định. PMI trên 50 chỉ ra sự tăng trưởng còn PMI dưới 50 mang ý nghĩa thu hẹp lĩnh vực sản xuất.
Ông Zhengsheng Zhong, giám đốc mảng kinh tế vĩ mô từ Caixin cho hay nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên đáng kể đã kích thích luồng kim ngạch xuất nhập khẩu, qua đó thúc đẩy PMI sản xuất tăng trưởng.
Thống kê dữ liệu theo dõi các đơn đặt hàng mới trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2013. Các đơn hàng xuất khẩu được thực hiện trong tháng cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2018, sau khi Mỹ công bố danh sách miễn trừ hơn 400 mặt hàng Trung Quốc khỏi mức thuế quan bổ sung và đình chỉ kế hoạch tăng thuế vào 15/10.
Tuy nhiên, ông Zhengsheng Zhong nhận định tâm lý thị trường hiện vẫn đang tỏ ra e dè, thận trọng do lượng đơn hàng tồn kho đang tăng lên. Tăng trưởng việc làm cùng chỉ số thất nghiệp chưa được báo cáo cũng khiến các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về sức mạnh kinh tế Trung Quốc.
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard từ Capital Economics, kết quả khác biệt giữa khảo sát tư nhân và khảo sát chính thức đã góp phần thể hiện những góc nhìn khác nhau về nền kinh tế Trung Quốc, và rằng kinh tế Trung Quốc có thể không giảm tốc tệ hại như thế giới lầm tưởng.
“Về mặt thực tế, chỉ số Caixin thậm chí đáng tin cậy hơn do theo sát hơn những biến động chu kỳ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Có vẻ như sự tăng trưởng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiếp tục lan tỏa” - theo ông Julian Evans-Pritchard.
Dữ liệu PMI sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc hiện đang được các nhà đầu tư toàn cầu theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết và kinh tế toàn cầu đứng trước bờ vực suy thoái. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đang đi đến một thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 đầy tiềm năng, nhưng thị trường hiện vẫn e dè và hoài nghi chừng nào hai bên chưa chính thức đặt bút ký vào thỏa thuận cuối cùng.
Về phía Mỹ, ước tính các dữ liệu kinh tế trong tháng 10 tiếp tục ổn định khi Bộ Thương mại Mỹ mới đây công bố dữ liệu tăng trưởng GDP quý III đạt 1,9%, vượt xa mức dự kiến 1,6%, do chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu Chính phủ mạnh mẽ. Dù rằng ước tính tăng trưởng việc làm trong tháng 10 của Mỹ có thể suy yếu, thì việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm 0,25% lãi suất lần thứ 3 trong năm và cam kết không tăng lãi cho tới khi lạm phát tăng trở lại đã mở ra một triển vọng lạc quan cho tâm lý đầu tư.