Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Không thể nói tín dụng tăng thấp là do chính sách

01/06/2023 14:45 GMT+7
Nguyên nhân chính khiến tín dụng khó tăng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là từ phía doanh nghiệp không có đơn hàng, không có đầu ra nên cầu tín dụng yếu.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16/5/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này chỉ tương đương khoảng 1/3 so với mức tăng trưởng gần 8% của cùng kỳ năm 2022.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Không thể nói tín dụng tăng thấp là do chính sách - Ảnh 1.

Nguồn: VnDirect

Tại các ngân hàng thương mại, chẳng hạn như tại ngân hàng MB, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng từ đầu năm đến nay khoảng 6,5%. Trong khi đó, quý I/2022 nhà băng này đã 'chạm trần' tín dụng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng của MB tăng 14,3%.

Cũng thuộc Top nhà băng năm 2022 "xài" gần hết room chỉ trong quý I, hiện tại tăng trưởng tín dụng của TPBank từ đầu năm 2023 đến nay mới chỉ đạt khoảng 5% (quý I/2022 tăng trên 6%).

Giới chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm tốc trong những tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao, thị trường bất động sản & trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cũng như triển vọng kinh tế nói chung vẫn tương đối ảm đạm. Do đó, nếu lãi suất thấp hơn, khách hàng dễ tiếp cận vốn hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Không thể nói tín dụng tăng thấp là do chính sách - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: SBV)

Về phía cơ quan điều hành Nhà nước về tiền tệ, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, tín dụng 5 tháng đầu năm nay tăng thấp (khoảng 3%). Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không thể nói tăng trưởng tín dụng thấp là do chính sách bởi thanh khoản tiền được duy trì dồi dào, thậm chí dư thừa. Sang nửa đầu năm nay, dư địa room tín dụng của các ngân hàng rất rộng rãi, dư thừa, không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.

Nguyên nhân chính khiến tín dụng khó tăng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là từ phía doanh nghiệp không có đơn hàng, không có đầu ra nên cầu tín dụng yếu. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại nhưng cần có thêm thời gian. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, doanh nghiệp cũng như các cơ quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài.

"Về phía Ngân hàng Nhà nước thì trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, chúng tôi điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, cũng ban hành thông tư để cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải rà soát để giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay, căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ và cũng không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo", Thống đốc khẳng định.

Trước đó, tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh vùng Đông Nam Bộ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã chỉ ra 4 lý do khiến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp.

Thứ nhất, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm.

Hai là, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý;

Bà là, đối với nhóm SMEs, việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế là do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế.

Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến việc thẩm định của các TCTD để đánh giá thực chất tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua các cơ chế hỗ trợ của nhà nước (Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV...) còn chưa phát huy hiệu quả .

Cuối cùng là, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…).

Với những nguyên nhân trên đã dẫn tới việc các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Mặt khác, sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB và sự kiện đổ vỡ một số ngân hàng Mỹ và châu Âu đã khiến các tổ chức tín dụng cẩn trọng hơn trong việc quản trị hoạt động để đảm bảo an toàn thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả người dân nên việc cấp tín dụng được xem xét thận trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, theo Phó Thống đốc.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục