Thu giữ vitamin BEEROCAC+ vì có dấu hiệu xâm phạm quyền của Bayer Consumer Care AG

01/04/2022 13:59 GMT+7
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT TP.Hà Nội vừa kiểm tra và thu giữ 28.575 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ có dấu hiệu xâm phạm quyền của nhãn hiệu Bayer Consumer Care AG.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của Tổng cục Quản lý thị trường, mới đây, Đội QLTT số 1 – Cục QLTT TP.Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng tại 158 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội thuộc Công ty Cổ phần thương mại OPEN PHARMA do ông Đặng Quang Vinh sinh năm 1983 làm Giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở kinh doanh đang bày hàng hóa là thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ và hình theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH088-22YC/KLGĐ ngày 10/3/2022 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học công nghệ thì hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ theo đăng ký quốc tế số 932608 của Bayer Consumer Care AG.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Biên thừa nhận yếu tố xâm phạm của lô thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ và hình đang được bầy bán tại cơ sở kinh doanh của công ty đồng thời cho biết số hàng này Công ty cổ phần thương mại Open Pharma đặt Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm JaPan sản xuất theo hợp đồng gia công. Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm JaPan xuất cho Công ty cổ phần thương mại Open Pharma theo hóa đơn bán hàng với giá là 19.440 đồng/hộp đã bao gồm tiền thuế.

Vitamin BEEROCAC+ có dấu hiệu xâm phạm quyền của Bayer Consumer Care AG bị thu giữ - Ảnh 1.

Gần 29.000 hộp Vitamin BEEROCAC+ có dấu hiệu xâm phạm quyền của Bayer Consumer Care AG bị Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ

Vitamin BEEROCAC+ có dấu hiệu xâm phạm quyền của Bayer Consumer Care AG bị thu giữ - Ảnh 2.

Gần 29.000 hộp Vitamin BEEROCAC+ có dấu hiệu xâm phạm quyền của Bayer Consumer Care AG bị Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ

Đoàn kiểm tra tạm giữ 28.575 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ và hình để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, Công ty cổ phần thương mại Open Pharma sử dụng Website Thương mại điện tử  https://openpharma.vn để bán hàng. Website nói trên có chức năng bán hàng trực tuyến nhưng chưa được thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Với nội dung thiết lập hồ sơ như trên, Đội QLTT số 1 dự kiến báo cáo trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền trên 500.000.000 đồng, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm, đồng thời sẽ tiếp tục thẩm tra, xác minh để đảm bảo buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có) được quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP.Hà Nội, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã từng bước được kiểm soát nhưng trên thực tế thị trường đang có nhu cầu rất cao về mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường đề kháng và miễn dịch cơ thể để phòng ngừa dịch bệnh cũng như chữa trị khi mắc bệnh Covid-19 và hậu mắc bệnh Covid-19. Người bệnh nói riêng và người tiêu dùng nói chung đặt niềm tin vào các mặt hàng có thương hiệu và uy tín, trong đó có những mặt hàng nổi tiếng từ nước ngoài sản xuất. Lợi dụng nhu cầu cào và cấp bách trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số đối tượng đã sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả, nhái các nhãn hiệu uy tín và nổi tiếng.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục