Thu nhập cao nhờ liên kết trồng thanh long ruột đỏ
Với cách làm này, thu nhập của người nông dân tăng lên qua từng năm, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm thanh long ruột đỏ liên kết theo chuỗi giá trị được huyện Thuận Châu phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) xây dựng và thực hiện từ năm 2018, với diện tích ban đầu là 4 ha. Đến nay, huyện Thuận Châu có khoảng 40 ha thanh long ruột đỏ, tập trung tại xã Chiềng Pha, Phổng Lái và một số ít tại xã Chiềng Ly, Mường É.
Chi phí đầu tư 1 ha thanh long ruột đỏ gồm giống, trụ cột khoảng 150 triệu đồng, riêng chi phí mua cây giống được Nhà nước hỗ trợ 70% và 30% do hợp tác xã hỗ trợ. Từ năm thứ 3 trở đi, khi thanh long cho năng suất cao, với mức giá trung bình khoảng 20 nghìn đồng/kg, sản lượng đạt từ 25-30 tấn quả/ha/năm, mỗi ha thanh long cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ loài cây này.
Để đảm bảo năng xuất, chất lượng cho quả thanh long, Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng đã phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện Thuận Châu mở các lớp tập huấn kỹ thuật từ khâu chọn giống, đào hố trồng... đến khâu chăm sóc, thu hái. Trong quá trình chăm sóc, các hộ dân chỉ dùng phân bón hữu cơ vi sinh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được chiết xuất từ tỏi, xả, ớt, lá xoan.
Chị Lò Thị Dưng, người dân bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha chia sẻ, cuối năm 2007, gia đình chị từ bản Nghe Tỏng, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai về đây sinh sống. Sau khi chuyển về nơi ở mới, gia đình chị Dưng trồng ngô, lúa, cà phê để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, có năm được mùa thì lại mất giá, năm có sương muối thì cà phê bị chết khô. Bởi vậy, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu năm 2017, chị Dưng cùng đoàn công tác của huyện Thuận Châu đến tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng và chị rất ấn tượng với mô hình này. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở bản Quỳnh Thuận phù hợp với cây thanh long ruột đỏ, chị Dưng đã bàn với chồng đầu tư vốn làm 450 trụ bê tông để chuyển đổi 0,5 ha đất trồng ngô, lúa, cà phê sang trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2018, chị Dưng tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1,2 ha, đến nay, gia đình chị đã có tổng cộng 1,7 ha thanh long.
Chị Dưng cho biết gia đình chị trồng thanh long theo chuỗi liên kết, trong quá trình chăm sóc, gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn. Việc bón phân, phun thuốc phải được ghi chép tỉ mỉ, chi tiết về thời gian và liều lượng. Bởi vậy, diện tích thanh long của gia đình chị luôn phát triển tốt, không bị sâu bệnh, năng xuất chất lượng cao. Năm 2020, gia đình chị Dưng thu hoạch được 15 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó có 2 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nga. Với mức giá bình quân 20 nghìn đồng/1 kg, gia đình chị Dưng thu được 300 triệu đồng, cao gấp nhiều so với trồng ngô, lúa, cà phê. Không những vậy, sản phẩm luôn có đầu ra ổn định nên gia đình rất phấn khởi và yên tâm sản xuất. Thời gian tới, gia đình chị sẽ mở rộng thêm 0,6 ha nữa.
Là một trong những hộ dân tham gia chuỗi liên kết, anh Bùi Văn Trung ở bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, chia sẻ: Tháng 1/2019, khi được hỗ trợ tiền mua cây giống, gia đình anh bắt đầu trồng 2 ha thanh long ruột đỏ. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, đến tháng 9/2019, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh bắt đầu cho quả. Năm 2020, gia đình anh Trung thu được 10 tấn quả, trong đó có 2 tấn đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nga, anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Pha, hiện nay, xã có 27 ha thanh long ruột đỏ; trong đó, 25 ha thực hiện theo chuỗi liên kết sản xuất thanh long của huyện Thuận Châu. Sau một thời gian thực hiện, nhiều hộ gia đình trồng thanh long đã có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Bên cạnh đó, việc liên kết trồng thanh long với Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng đã tạo thói quen cho người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu trước đây của bà con.
Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân trồng thanh long đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh diện tích hiện có và mở rộng thêm diện tích khoảng 10 ha mỗi năm. Giai đoạn 2020 - 2025, xã Chiềng Pha phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Với cách làm này sẽ giúp xã giải quyết những khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí thu nhập và môi trường.
Để ổn định vùng nguyên liệu thanh long ruột đỏ, từ nay đến năm 2025, huyện Thuận Châu phấn đấu mở rộng diện tích lên khoảng 150 ha. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ; đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con.