Thủ tục tạm ngừng hộ kinh doanh 2021 thực hiện thế nào?

20/12/2020 08:00 GMT+7
Khi hoạt động, hộ kinh doanh có thể tạm ngừng trong một thời gian cho phép. Nếu không thực hiện thủ tục tạm ngừng hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh sẽ bị xử phạt.

Thủ tục tạm ngừng hoạt động hộ kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 76 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm.

Như vậy, khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục thông với cơ quan đăng ký kinh doanh.

1. Hồ sơ thông báo

* Thành phần hồ sơ:

- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh;

- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình trực tiếp thành lập hộ kinh doanh.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thủ tục tạm ngừng hộ kinh doanh 2021 thực hiện thế nào? - Ảnh 1.

Khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục thông với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết

Bước 1: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

- Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch.

- Nộp hồ sơ qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ và trao giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp Giấy xác nhận tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Tài chính - Kế hoạch phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người đăng ký thủ tục.

Bước 3: Nhận kết quả

* Thời gian giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.

* Lệ phí giải quyết: Miễn lệ phí.

Bị xử phạt nếu không thực hiện thủ tục tạm ngừng hộ kinh doanh

Nếu hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động trên 30 ngày thì phải nộp hồ sơ thông báo cho cơ quan kinh doanh ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng. Trường hợp không gửi thông báo hoặc gửi thông báo không đúng hạn thì hộ kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 42 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cụ thể:

- Tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn (dưới 06 tháng) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng.

- Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo bị phạt từ 01 - 02 triệu đồng.

Lưu ý: Mức xử phạt này được áp dụng đối với cá nhân (theo Điều 4 Nghị định 50/2016)

Như vậy, thủ tục tạm ngừng hộ kinh doanh là bắt buộc và chỉ được phép ngừng hoạt động không quá 01 năm. Chủ hộ kinh doanh lưu ý cần phải thực hiện thủ tục này đúng thời hạn.

PV
Cùng chuyên mục