Thủ tướng chỉ đạo, giá lợn hơi của các DN lớn vẫn “nhảy múa”
Theo ghi nhận thị trường của PV, hiện tại, giá lợn hơi tại cả 3 miền đều duy trì ở mức khá cao trên mức Thủ tướng yêu cầu. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc, ghi nhận ở Hà Nội và Tuyên Quang báo tăng lần lượt 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg, lên 82.000 đồng/kg và 83.000 đồng/kg. Trong đó, địa phương miền Bắc duy nhất có giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg là Hưng Yên vẫn ở mức 82.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Bắc Giang giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu rời đỉnh là 85.000 đồng/kg sau nhiều ngày giữ ổn định. Các địa phương còn lại như Phú Thọ duy trì giá bán 83.000 đồng/kg. Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc....đồng giá 82.000 đồng/kg, là mức giá chiếm đa số và thấp nhất của khu vực này trong hôm nay.
Tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi trong ngày hôm nay (24/3) được điều chỉnh giảm trong khoảng 1.000 - 5.000 đồng/kg sau nhiều ngày đứng yên, tuy nhiên vẫn ở mức xấp xỉ 80.000 đồng/kg. Tại Long An giá lợn hơi giảm đến 5.000 đồng xuống còn 75.000 đồng/kg, Đồng Tháp giảm 4.000 đồng xuống 76.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, giá lợn hơi giao động trong khoảng 77.000 - 79.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, bên cạnh việc "neo" ở mức cao, giá lợn hơi bán ra trên thị trường cũng có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết trong tuần qua, có thời điểm giá lợn hơi xuất chuồng công bố của Công ty C.P duy trì ở mức 74-76 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác lại có giá bán lợn hơi cao hơn nhiều.
"Ví dụ cùng một số thời điểm trong tuần qua, giá lợn hơi trên thị trường tự do của người dân bán ra giao động từ 80-85 nghìn đồng/kg, thì giá bán lợn hơi công bố của Công ty C.P là 74-76 nghìn đồng/kg, trong khi bán của Công ty Japffa là 82 nghìn đồng/kg, của Công ty Hòa Phát là 85 nghìn đồng/kg...", đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Cục Chăn nuôi hiện tại, tình hình tái đàn lợn trên cả nước vẫn đang diễn ra thuận lợi. Trong đó, Công ty C.P công bố đang có khoảng 310 nghìn lợn nái đẻ, tiếp theo là Công ty C.J với khoảng 80 nghìn lợn nái đẻ.
Theo nhận định của ông Trọng, với tổng số nái cả nước hiện khoảng 2,7 triệu con, việc sản xuất nguồn lợn giống sẽ cơ bản chủ động được để phục vụ tái đàn lợn.
Về phía Bộ Công Thương, theo đánh giá của ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, việc giá lợn hơi chưa thể "hạ nhiệt" hiện nay là do giá bán ra của các DN chăn nuôi lớn vẫn duy trì ở mức rất cao. Do đó, DN lãi lớn, cộng thêm việc các khâu "trung gian" từ khi xuất chuồng "ăn" quá dày khiến giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn "ngất ngưởng".
"Ngay cả trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành, chi phí sản xuất trung bình cho 1kg lợn hơi cũng chỉ khoảng 45.000 đồng. Với giá bán 72.000 đồng/kg thì DN đang lãi đến 2 triệu đồng/con lợn 100kg. Điều đó cho thấy, các DN chăn nuôi đang có lãi rất lớn", đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định, không có lý do gì mà giá lợn hơi không xuống dưới 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam đang dần được khống chế.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành kiên quyết đưa giá lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp.
"Nếu cố tình đưa giá lên cao thì Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng...", Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh giá lợn cao, thời gian qua, các bộ ngành đã tập trung thực hiện giải pháp nhập khẩu thịt lợn nhằm bình ổn thị trường. Tính đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 25.300 tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019). Đây vẫn là giải pháp được đưa ra nếu các DN tiếp tục chây ì, không chịu thực hiện cam kết về việc giảm giá lợn hơi trong thời gian tới.