Thực thi EVFTA, mặt hàng nông sản Việt nào sẽ “thắng lớn” tại EU?
Ông Lưu Mạnh Tưởng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 – 2033).
"Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa thực hiện Hiệp định", Ông Tưởng nhận định.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, với việc có lộ trình cắt giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực thực thi lợi ích cho cả hai bên là rất rõ ràng.
"Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết", ông Tưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham, cho biết nhà đầu tư châu Âu hiện quan tâm đến 3 nhân tố chủ chốt của Việt Nam để thu hút đầu tư, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Nhận định về những lợi thế của ngành nông nghiệp khi EVFTA được thực thi, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, (Bộ NN&PTNT) cho biết, cần xác định EU là thị trường bậc cao.
Ngay khi Hiệp định được thực thi, nhiều dòng thuế liên quan sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu sẽ lập tức về 0. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, không phải tất cả những "bức tranh" đều "màu hồng".
Nguyên nhân là do nông sản Việt Nam phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ lớn trong khu vực ASEAN như Thái Lan.
Theo đó, ông Toản nhận định, lợi thế vào EU đối với nông nghiêp Việt Nam gồm có 3 thế mạnh là thủy sản, đồ gỗ và một số mặt hàng cây công nghiệp.
"Thủy sản vào EU gần 1 tỷ USD/năm, chưa tương xứng với tổng kim ngạch xuất khẩu; đồ gỗ là 1 tỷ/năm nhưng cũng chưa tương xứng tới 11 tỷ năm trước. Đồ gỗ có cú hích quan trọng là năm trước đã ký Hiệp định VPA với EU, cộng với EVFTA là cú hích lớn trong ngành lâm sản năm nay. Thủy sản thì trong nỗ lực chung Chính phủ, ngành đang tập trung khắc phục theo khuyến nghị của EU", ông Toản thông tin.
Trước đó, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier đã nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đứng trước "cơ hội vàng".
"Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU- những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp", ông Nicolas Audier khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nicolas Audier, để EVFTA đi vào hiệu lực, điều quan trọng là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi. Quan trọng hơn nữa là những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch EuroCham cũng đánh giá Việt Nam có thể trở thành mô hình thành công trong ứng phó với dịch bệnh Covid – 19. Hiện tại, đây là thời điểm phù hợp để triển khai thành công EVFTA bởi Việt Nam đang phục hồi sau dịch và EVFTA sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ Việt Nam và EU.