Thương mại điện tử tăng trưởng 18%

27/01/2021 14:41 GMT+7
Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, thấp hơn mức dự báo, tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng do dịch Covid - 19, đây vẫn là con số đáng mừng.

Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong với mức 18%. Quy mô thị trường 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước

Quy mô nói trên thấp hơn con số 14-15 tỉ USD so với dự báo trước đó. Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên môn đây vẫn là mức tăng cao của khu vực trong dịch Covid -19. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Trước sức ép của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay bán trực tuyến. Ngoài ra, thói quen người tiêu dùng cũng bị thay đổi, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay mua hàng trực tuyến.

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp Covid – 19 - Ảnh 1.

Dịch Covid - 19 khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm

Số lượng giao dịch tăng mạnh so cùng kỳ nhưng tăng trưởng về doanh thu của thị trường lại giảm do các mặt hàng giao dịch thương mại điện tử giai đoạn Covid - 19 có giá trị thấp.

Theo số liệu thống kê, hiện tại, lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình tăng hơn 150% so với kỳ trước, ở mức khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Các phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytics cho thấy với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 18% hiện nay, dự kiến vào năm 2024 quy mô thị trường có thể đạt 26,1 tỉ USD.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết thêm, để tạo môi trường phát triển lành mạnh, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, cơ quan quản lý đang khẩn trương hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang triển khai lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quản lý thương mại điện tử. Theo đó, dự thảo trên được cho là có nhiều sửa đổi để phù hợp với bối cảnh phát triển mới, tuy nhiên, vẫn đang vấp phải nhiều phản hồi trái chiều.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục