Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sắp cán mốc 100 tỷ USD
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch vượt xa các thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nông sản, thuỷ sản, đồ nội thất, trang trí… chiếm vị thế hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đây là các nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và Hoa Kỳ có nhu cầu lớn.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế quốc nội (GDP) quý 3/2021 đạt 4,9%. Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng và đang phát triển rất tích cực.
Về thuận lợi của thị trường Hoa Kỳ, ông Bùi Huy Sơn nhận xét: Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với sức mua cao, đồng thời là thị trường có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô; môi trường chính sách, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có nhiều thuận lợi; nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa, vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác có hiệu quả; ngoài ra lực lượng người Việt đông đảo chính là cầu nối, là nhóm khách hàng quan trọng của hàng hóa Việt Nam.
Dù có nhu cầu cao, sức tiêu thụ lớn nhưng Hoa Kỳ là một trong những thị trường “khó tính” bậc nhất trên thế giới. Hoa Kỳ có yêu cầu rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường. Bên cạnh đó hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với các nhóm hàng khác được sản xuất ngay tại Hoa Kỳ hay từ các đối thủ khác đến từ châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là Châu Phi.
Trong xu hướng tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ trong điều kiện mới, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; chú trọng tiếp cận, thiết lập hệ thống phân phối; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàm lượng chế biến, cam kết chất lượng ổn định; phát triển các mô hình liên kết sản xuất, các nhà cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ theo chuỗi; đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu; thận trọng trong quá trình đàm phán, thực hiện giao dịch và chủ động ứng phó với các cuộc điều tra thương mại,...
Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ phải tính đến chuyện 5-10 năm, rất khó để trong một thời gian ngắn có thể đứng vững tại thị trường này. Hơn nữa, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm phải thường xuyên, liên tục để đảm bảo sản phẩm không bị vượt ngưỡng cho phép các loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất cũng cần được nghiên cứu, nâng cấp để hàng hoá có thể vận chuyển bằng đường biển thay cho đường hàng không như hiện nay nhằm giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng đó, xu hướng mua sắm online đã trở nên rất phổ biến, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các kênh thương mại điện tử lớn như Amazon để quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm thông qua chiến lược thiết kế, công tác đánh giá và marketing sản phẩm để làm cho thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp nổi trội hơn hẳn so với các thương hiệu khác trong cùng loại mặt hàng.
Trong thời gian tới, chính sách của Việt Nam là tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ. Dự kiến sẽ có nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp lực thiết lập các chuỗi sản xuất hàng hóa chất lượng cao, cùng gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong tương lai hậu Covid-19.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong tháng 10/2021 đạt 7,8 tỷ USD, tăng 12,3% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 76,7 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, dẫn đầu kim nghạch xuất khẩu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng trong tháng 10 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 36% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch 10 tháng đạt trên 13,3 tỷ USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 17,4% tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp đến là hàng dệt may, đạt 12,8 tỷ USD trong 10 tháng, tăng 10,2% chiếm 16,6% tỷ trọng xuất khẩu.
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực. Nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu, thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn.