Tích trữ chờ cửa khẩu hết ùn ứ, mặt hàng này lại xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc
Giá sắn nguyên liệu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang giảm từ 50-200 đồng/kg tùy khu vực do thời tiết thuận lợi hơn cho việc thu hoạch sắn, trong khi đầu ra xuất khẩu chậm do bị ùn ứ cửa khẩu với Trung Quốc.
Giá tinh bột thành phẩm bán ra tại các nhà máy Tây Ninh điều chỉnh giảm theo đà giảm của giá nguyên liệu. Hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chậm lại do phía Trung Quốc kiểm soát chặt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây tại Lạng Sơn tăng cao. Do đó, tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tiếp tục tái diễn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) tạm ngừng thông quan trong 14 ngày (kể từ ngày 08/12/2021).
Vụ sắn năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An trồng gần 14.000 ha sắn và đang vào mùa thu hoạch. Trong đó, riêng diện tích sắn cao sản toàn tỉnh có 7.400 ha, số diện tích này hầu hết nằm trong vùng sắn nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn, do được đầu tư thâm canh khá, thời tiết thuận lợi, nên năng suất đạt bình quân từ 30 – 35 tấn củ/ha, cao nhất từ trước lại nay.
Do thời tiết thuận lợi, nắng hạn ít, mưa nhiều và mưa đều ở các tháng nên sắn được mùa. Tại huyện Anh Sơn trồng gần 1.200 ha sắn, năng suất dự kiến đạt bình quân trên 25 tấn củ/ha. Các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hoa Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn) đều đạt năng suất sắn từ 25 – 30 tấn củ/ha, có nhiều hộ gia đình ở xã Hoa Sơn trồng sắn trên đất mới, vụ đầu tiên đạt được năng suất lên tới gần 40 tấn/ha.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2021, Việt Nam xuất khẩu 276,1 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 126,59 triệu USD, tăng 50,9% về lượng và tăng 55% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 19,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 458,5 USD/tấn, tăng 2,8% so với tháng 10/2021 và tăng 20,6% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 2,61 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 11/2021, xuất khẩu sắn đạt 30,13 nghìn tấn, trị giá 8,36 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 35,4% về lượng và giảm 14,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 277,6 USD/tấn, tăng 2,4% so với tháng 10/2021 và tăng 31,9% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 771,97 nghìn tấn sắn, trị giá 199,94 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và tăng 52,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 11/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, với 262,84 nghìn tấn, trị giá 120,36 triệu USD, tăng 51,3% về lượng và tăng 55,3% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 tăng 1,8% về lượng và tăng 22,7% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,44 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 994,24 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 25,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 chiếm 93,5% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo đầu năm tới, nhiều nhà máy cồn tại Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ bảo dưỡng, qua đó nhu cầu mua sắn lát nguyên liệu sẽ tăng. Ngoài ra, giá cồn nội địa tại Trung Quốc tăng liên tục thời gian gần đây với cả ba loại: Cồn từ ngô, sắn và mật rỉ đường do nguồn cung cồn nội địa và nhập khẩu giảm mạnh. Do đó, giá xuất khẩu sắn lát dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới khi nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc tăng. Tuy nhiên, đà tăng giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam sẽ không cao do Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan đã liên tục điều chỉnh giảm giá.
Cụ thể: Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan hiện thông báo giữ vẫn giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn ở mức 490 USD/tấn, giá thu mua tinh bột sắn nội địa cũng được giữ ở mức 15,1 Baht/kg. Trong khi đó, Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu sắn lát xuống mức 250 – 260 USD/tấn FOB, giảm 5 USD/tấn; giá sắn nguyên liệu được điều chỉnh xuống mức 2,3-2,75 Baht/kg, giảm 10 Baht/kg so với 10 ngày trước đó.
Về thị trường Trung Quốc, với chính sách “Zero Covid” nên phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ việc giao hàng qua cửa khẩu khiến tiến độ giao hàng rất chậm. Các nhà máy tại Trung Quốc vẫn trong tình trạng sản xuất với công suất thấp cho dù đã vào chính vụ, do đó nhu cầu mua tinh bột sắn từ Việt Nam giảm nhiều so với cùng thời điểm các năm trước.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu. Với mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn, các đơn vị xuất khẩu có thể tích trữ hàng chờ cửa khẩu hết ùn ứ là lại có thể xuất khẩu mạnh trở lại sang Trung Quốc.
Chỉ đơn cử ở Lạng Sơn, với năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu hiện nay, nếu không có sự điều chỉnh (khôi phục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh cũng như thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu còn lại) thì để thông quan được số lượng hàng hóa xuất khẩu tồn đọng cần khoảng 50 ngày.
Hiện Phía Việt Nam, các cơ quan chức năng làm công tác xuất nhập khẩu ở biên giới đang tăng cường việc khử khuẩn và thông báo thường xuyên đến cơ quan chức năng phía Quảng Tây, Trung Quốc để chứng minh phương pháp thực hiện khử khuẩn hàng hóa xuất khẩu đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, được cơ quan chức năng phía Quảng Tây -Trung Quốc chấp nhận kết quả khử khuẩn, không thực hiện lại việc khử khuẩn hàng hóa khi đã đưa qua biên giới, để thúc đẩy nhanh thông quan hàng hóa.