Tiềm lực tài chính của F0 rất lớn, quy mô thị trường chứng khoán đủ sức vượt xa 2 tỷ USD/ngày

19/11/2021 17:11 GMT+7
Đại diện các công ty chứng khoán cùng chung nhận định cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục là kênh quan trọng và hữu hiệu để cộng đồng doanh nghiệp huy động thêm nguồn lực, mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh. Thời điểm này, nói vốn trên TTCK phụ thuộc vào ngân hàng thương mại sẽ hơi quá.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán (UBCK), đến ngày 30/9/2011, tổng quy mô thị trường đã đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương với 133,83% GDP cả nước, với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch và hơn 181 tỷ chứng khoán.

Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới con số gần 4 triệu, trong đó số tài khoản mở mới riêng trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 70% so với cả năm 2020.

Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi mà đại dịch vẫn đang bùng phát mạnh.

Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đã đạt trên 37% GDP.

Dòng tiền tỷ USD đổ vào chứng khoán, hơi quá khi nói “vốn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại”  - Ảnh 1.

Tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đã đạt trên 37% GDP. (Ảnh: VTC)

Dòng tiền tỷ USD đổ vào chứng khoán, hơi quá khi nói "vốn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại"

Dẫn kết quả 25 năm qua tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp- Kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, TTCK đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn, hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Trước đây, khi chưa có TTCK, kênh dẫn vốn, ngắn, trung và dài hạn đặt lên vai ngân hàng. Khi có TTCK, thị trường này đang ngày càng san sẻ, chiếm tỷ trọng lớn dần trong kênh dẫn vốn với hệ thống ngân hàng.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS đánh giá, TTCK Việt Nam đang phát triển sang một giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển của kinh tế.

Hiện quy mô TTCK đã đạt 133% GDP, quy mô giao dịch thị trường từ mười mấy ngàn tỷ/phiên năm 2020, nay đã lên 20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư tham gia trước chỉ "lèo tèo" 1 triệu nay 3,5 triệu tài khoản và sẽ cao hơn nữa - theo ông Tiến.

Tổng giám đốc SHS dẫn chứng thêm, năm 2020, nước ta huy động hơn 470.000 tỷ đồng qua kênh cổ phiếu, trái phiếu. Năm 2021 con số này ghi nhận khoảng 300.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ.

Riêng SHS, 11 tháng đầu năm 2021 đã tư vấn thành công trái phiếu doanh nghiệp tổng giá trị gần 15.000 tỷ đồng, phát hành cổ phiêu khoảng 10.000 tỷ đồng, trải dài các doanh nghiệp về sản xuất, dịch vụ…

Còn theo ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital, nếu so sánh tương quan với các TTCK đi trước ta 10-15 năm thì vẫn còn dư địa rất lớn, và mới chỉ 1% tài khoản hoạt động đã giúp thị trường đạt thanh khoản kỷ lục. Ông Phúc cho rằng, 3-5 năm tới quy mô thị trường vẫn phát triển nhanh, sẽ gây bất ngờ cho nhà đầu tư.

Dòng tiền tỷ USD đổ vào chứng khoán, hơi quá khi nói “vốn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại”  - Ảnh 2.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc CTCK VNDirect trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Thừa nhận, khi nói đến thị trường tài chính, trước này chỉ nói đến ngân hàng thương mại mà không có thị trường trái phiếu, cổ phiếu, song đến nay theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc CTCK VNDirect, chúng ta có kênh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, trái phiếu không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp Chính phủ có nguồn vốn.

"Trước đây, vốn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, họ có thế mạnh trong cho vay vốn lưu động, cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Thực tiễn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có rủi ro về tính thanh khoản mong manh dễ vỡ, khủng hoảng. Nhưng đến nay, cùng với sự phát triển của thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, đến nay câu nói phụ thuộc vào ngân hàng thương mại sẽ hơi quá. Tổng dư nợ hiện nay vào khoảng 150% GDP trong đó dư nợ trung và dài hạn không quá 70% GDP.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay hơn 20% GDP, vốn trung hạn qua thị trường trái phiếu và cổ phiếu lớn hơn ngân hàng. Thị trường cổ phiếu, trái phiếu giúp doanh nghiệp đa dạng kênh dẫn vốn. Mỗi loại hình vốn có tính chất đặc biệt phù hợp tính chất kinh doanh giúp doanh nghiệp xây dựng cơ chế tối ưu, an toàn hơn, phát triển kinh doanh tốt hơn", ông Quỳnh nói.

Tiền ùn ùn đổ vào chứng khoán, tiềm lực trong dân rất lớn

Cũng theo Tổng giám đốc CTCK VNDirect, nhu cầu và tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán rất lớn.

"100 triệu dân, 1% dân mới hoạt động thị trường, tiềm năng rất lớn trong khi quy mô thị trường 2 tỷ USD/ngày, giao dịch 80% là nhà đầu tư cá nhân. Với hơn 1% dân số tham gia thị trường mà giao dịch 2 tỷ USD cho thấy tiềm năng ở trong dân rất lớn", ông Quỳnh phân tích.

Tiềm năng lớn song theo ông Quỳnh, nếu phát triển thị trường chứng khoán hoàn thiện, bước vào phát triển chiều sâu, nâng chất lượng của thị trường sẽ tạo ra sự phát triển bền vững. Còn nếu phát triển "nóng" mà không nâng chất sẽ tạo ra khủng hoảng.

Việc tìm ra những doanh nghiệp có năng lực quản trị năng lực kinh doanh tốt tham gia vào thị trường tài chính cũng đem đến cho nhà đầu tư có cơ hội, giúp dòng vốn luân chuyển hiệu quả, tích cực.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Quỳnh bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính, UBCK nâng cao chất lượng của các tổ chức tham gia thị trường. Cần áp dụng chuẩn mực cao hơn nữa, sàng lọc những công ty chứng khoán không đạt điều kiện và mở nới room cho các công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả, có những room rộng hơn với công ty hoạt động tốt hơn để nâng cao năng lực.

Năm 2020, tổng kết doanh thu của các công ty chứng khoán tại Việt Nam doanh thu khoảng 24.000 tỷ, lợi nhuận 7.000 tỷ. Con số này không bằng một ngân hàng thương mại. "Để phát triển cần nâng cao chất lượng cần có những chính sách, nới rộng room để công ty chứng khoán phát triển hơn", ông Quỳnh đề xuất.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục