Tiếp tục giảm mạnh, giá hạt tiêu khó lấy lại đà tăng

29/08/2022 19:06 GMT+7
Giá tiêu ngày 29/8 đi ngang, lực mua chậm và yếu. Các chuyên gia dự báo, giá hạt tiêu khó lấy lại đà tăng trong ngắn hạn...

Giá tiêu ngày 29/8: “Lặng sóng” phiên đầu tuần 

Giá tiêu hôm nay 29/8 đi ngang, giá cao nhất ở ngưỡng 70.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất  66.500 đồng/kg tại Gia Lai.

Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo), giá tiêu dao động trong  mức 67.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai, dao động ở ngưỡng 66.500đồng/kg. Giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dao động trong ngưỡng 70.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước, dao động ở ngưỡng 68.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai, dao động ở ngưỡng 67.0000đồng/kg.

Tuần qua, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước ghi nhận xu hướng ảm đạm, không có phiên tăng giá nào trong khi có tới 3 phiên giảm. Ngưỡng cao nhất 70.000 đồng/kg của giá hạt tiêu đang khá mong manh và có thể bị thủng bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới vẫn niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi trong tuần, tương ứng với 3.550 USD/tấn tiêu đen loại 500g/l và 5.400 USD/tấn với tiêu trắng. Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đánh giá thị trường tuần này tiếp tục diễn biến khá tiêu cực, không có quốc gia nào tăng điểm.

Tiếp tục giảm mạnh, giá hạt tiêu khó lấy lại đà tăng - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 29/8 đi ngang, giá cao nhất ở ngưỡng 70.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 66.500 đồng/kg tại Gia Lai.

Tiếp tục giảm mạnh, giá hạt tiêu khó lấy lại đà tăng - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Các chuyên gia nhận định, giá tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại.

Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và hiện nay không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.

Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đánh giá, lượng hàng tồn hiện tại ước khoảng 80.000 - 100.000 tấn. Đây là khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm. Nguyên nhân xuất khẩu suy giảm do tình hình lạm phát toàn cầu, Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid" và cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu đen toàn cầu giảm 2% còn 53,69 điểm trong khi chỉ số giá tiêu trắng giảm nhẹ 0,1% còn 54,83 điểm. Tương tự, giá tổng hợp tiêu đen giảm 83 USD/tấn còn 3.994 USD/tấn, lần đầu tiên dưới mức 4.000 USD/tấn kể từ tháng 6/2021. Giá tổng hợp tiêu trắng giảm 8% còn 5.674 USD/tấn.

Giá hạt tiêu khó lấy lại đà tăng trong ngắn hạn...

Theo thống kê của VPA, trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu tiêu nguyên liệu của Việt Nam bất ngờ tăng cao với 25.750 tấn (trong đó tiêu đen đạt 22.385 tấn, tiêu trắng đạt 3.392 tấn), tăng mạnh 37,8% tương đương 7.066 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong tháng 7, lượng hồ tiêu nhập khẩu là 4.451 tấn, tăng mạnh 29,1% so với tháng trước và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Campuchia, Brazil và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp chủ yếu hồ tiêu cho Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 88,6% tổng lượng nhập khẩu. Nếu so với sản lượng nội địa, số lượng tiêu nhập khẩu là không quá lớn và giá cũng cao hơn đáng kể nên việc nhập khẩu này được cho là không ảnh hưởng đến giá tiêu trong nước.

Tiếp tục giảm mạnh, giá hạt tiêu khó lấy lại đà tăng - Ảnh 3.

Thị trường hạt tiêu thế giới vẫn đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt trên 19 nghìn tấn, trị giá 80,12 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 27,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 142,56 nghìn tấn, trị giá 639,84 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá: Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.214 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng 6/2022 và tăng 16,7% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về thị trường: Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Hà Lan, Philippines. 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường chính giảm như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Anh. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan tăng trưởng ở mức 2 con số.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Thị trường hạt tiêu thế giới vẫn đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới do lạm phát toàn cầu ở mức cao, ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới.

Hạt tiêu Việt đang kỳ vọng vào sức mua của thị trường Trung Quốc từ nay tới cuối năm để có thể bứt phá cả về lượng và giá xuất khẩu. Ngành hạt tiêu Trung Quốc có 2 đặc điểm chính, thứ nhất là sản xuất tiêu của nước này tập trung ở đảo Hải Nam, với sản lượng chiếm hơn 90% tổng sản lượng của cả nước.

Thứ hai, ở góc độ toàn cầu, không giống như các nước khác trên thế giới chủ yếu sản xuất tiêu đen, Trung Quốc chủ yếu sản xuất tiêu trắng, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Hải Nam cũng là vùng sản xuất tiêu trắng chính của thế giới. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu tiêu lớn từ một số nguồn cung như Việt Nam, Indonesia và Brazil.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tiêu của nước này trong tháng 5 đạt 942 tấn, giảm 39% so với tháng trước. Lũy kế đến hết tháng 5, nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đã giảm 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 3.950 tấn. Chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc được cho là đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng cũng như nhập khẩu tiêu của nước này.

Tháng 6, nhập tiêu của Trung Quốc khởi sắc hơn, với lượng nhập đạt 2.999 tấn từ Việt Nam, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.619 tấn. Tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này 6 tháng đầu năm đạt 5.609 tấn, tuy nhiên lượng nhập khẩu này giảm 80,2% so với cùng kỳ. Kỳ vọng lượng nhập khẩu từ nay đến cuối năm của quốc gia này sẽ là động lực giúp giá tiêu Việt tăng trở lại.

Ngoài ra, năm 2022 được đánh giá nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của EU tăng, và lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hạt tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này. Hiện nay, Mỹ và EU đang là hai thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, và đây cũng là ngành hàng hiếm hoi trong số các mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng tuyệt đối tại Mỹ và EU.

Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, ngành tiêu trong nước cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sự ổn định để có đầu ra bền vững.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục