Tín dụng toàn nền kinh tế đến 25/12/2024 tăng 13,82%

06/01/2025 16:20 GMT+7
Theo số liệu công bố từ Tổng Cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 25/12/2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,42% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 10,34%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06% (cùng thời điểm năm trước tăng 11,19%).

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82%, cao hơn mức đạt được cùng thời điểm năm trước là 11,48% nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm là 15%.

Tổng Cục Thống kê đánh giá, trong năm 2024, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế .

Tín dụng toàn nền kinh tế đến 25/12 tăng 13,82% - Ảnh 1.

Về tỷ giá, tính đến ngày 31/12/2024, chỉ số giá USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,98 điểm, tăng 1,46% so với tháng trước do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao, làm đồng đô la Mỹ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Cùng với đó, chính sách tiền tệ của FED duy trì lãi suất cao và nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm đã góp phần đẩy giá trị đồng đô la Mỹ lên.

Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.488 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2024 tăng 4,91%.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 31/12/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.659,6 USD/ounce, giảm 0,62% so với tháng 11/2024 do chịu áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng.

Trong tháng 12/2024, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,25% nhưng tín hiệu thận trọng về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 đã tác động tiêu cực đến giá vàng, làm giá vàng hạ xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2024. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,64%.

Để chính sách tiền tệ tiếp tục đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, Tổng Cục Thống kê đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Tổng Cục Thống kê kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Chính sách tài khóa hướng tới hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

L. Anh
Cùng chuyên mục