"Tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại"

15/10/2020 16:17 GMT+7
Đó là phản hồi của các doanh nghiệp được khảo sát về các gói hỗ trợ của Chính phủ do nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổng cục Thống kê, thực hiện điều tra ở Hà Nội, TP HCM và Thanh Hóa.
"Tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại" - Ảnh 1.

Theo khảo sát, tỉ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất.

Ngày 15/10, trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế".

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày nghiên cứu: "Đánh giá tác động của COVID-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với COVID-19 đối với các doanh nghiệp". 

Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổng cục Thống kê, thực hiện điều tra ở Hà Nội, TP HCM và Thanh Hóa (mỗi thành phố, tỉnh thực hiện trên 150 doanh nghiệp). 6 ngành được điều tra gồm du lịch, lưu trú, ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; logistic; dệt may; công nghệ thông tin.

Theo kết quả khảo sát, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Không tương xứng với tỉ trọng 40% doanh nghiệp phải cắt giảm qui mô, tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.

Có nhiều lí do dẫn đến việc các doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ, chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách, qui trình, thủ tục phức tạp, thông tin không minh bạch.

Về thực trạng nhận các gói hỗ trợ, tỉ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin là ngành ít nhận được hỗ trợ nhất. Tỉ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.

Trong các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế. Các gói hỗ trợ khác tỉ lệ tiếp cận thấp, đáng chú ý có hai gói hỗ trợ không có doanh nghiệp nào tiếp cận được, là "vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động" và "đơn giản hóa thủ tục hành chính, gia hạn nộp thuế cho hoạt động xuất, nhập khẩu".

Các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kì vọng như hỗ trợ chi phí logistic, cải cách thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp được khảo sát cũng đưa ra phản hồi về các gói hỗ trợ. Cụ thể, tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu thời hạn trả nợ và vay không cần tài sản thế chấp.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói hỗ trợ lần một thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe doanh nghiệp và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.

Triển khai gói kích thích kinh tế lần 1, trước đó, TS Cấn Văn Lực cho hay, Chính phủ Việt Nam đã chia ra 4 gói hỗ trợ riêng (tổng trị giá thực - tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019). Trong đó, có gói hỗ trợ tài khóa; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng; gói hỗ trợ an sinh xã hội và các gói hỗ trợ khác.

Ông Lực cho biết, gói hỗ trợ tài khóa với trị giá ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41, gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng). Tổng số tiền đã thực hiện tính đến ngày 31/7/2020 khoảng 56.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,2% quy mô gói hỗ trợ.

 Nguyên nhân tiếp cận gói hỗ trợ trên còn chậm theo lý giải của Tổng cục Thuế cũng như nhóm nghiên cứu của ông Lực, là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng; một số doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 ngay trong quý I/2020; một số doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn. Cùng với đó là tâm lý e ngại thủ tục rườm rà nên doanh nghiệp cũng không mặn mà với gói hỗ trợ này.

  Đề nghị trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn vay ODA: Không thể chỉ đổ lỗi cho Covid-19 

Đức Minh
Cùng chuyên mục