Tình tiết mới nhất của vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ

30/10/2019 06:37 GMT+7
Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm xét xử ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ diễn ra trong ba ngày 29-31/10. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn lại và rời lịch sang ngày 18-20/11 tới đây do bà Lê Hoàng Diệp Thảo vắng mặt tại phiên tòa.
Tình tiết mới nhất của vụ ly hôn giữa vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên - Ảnh 1.

Vụ ly hôn nghìn tỷ kéo dài, ông Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn sớm kết thúc để tránh ảnh hưởng đến người thân và hoạt động của tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày hôm qua (29/10), Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên).

Theo yêu cầu của bà Thảo, phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được xử kín và dự kiến sẽ kéo dài trong 3 ngày từ ngày 29-31/10.

Tuy nhiên, trước khi phiên tòa xét xử được diễn ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm do bà đang phải đi điều trị bệnh ở nước ngoài vào ngày 28/10. Cụ thể, theo đơn xin hoãn phiên tòa, bà Thảo cho biết theo chỉ định bác sĩ, bà phải ưu tiên dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục một số chấn thương. Vì vậy, vào ngày vào ngày 3/10, bà Thảo đã có đơn đề nghị toà án không bố trí lịch xét xử phúc thẩm trong tháng 10/2019, vì bà phải đi nước ngoài điều trị.

Mặc dù vậy, phiên tòa phúc thẩm vẫn được lên lịch vào ngày 29, 30, 31/10/2019. Vì thế, bà Thảo buộc phải xin hoãn phiên tòa phúc thẩm, đợi hồi phục để có đủ sức khỏe đến dự phiên toà, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Sau khi xem xét đề nghị bà Thảo, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hoãn phiên tòa và lùi thời gian mở lại phiên tòa phúc thẩm sang ngày 18-20/11 tới đây. Đồng thời, HĐXX cũng đề nghị bà Thảo phải có mặt trong ngày xét xử tới, nếu không sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Thảo.

Sau quyết định hoãn phiên tòa của HĐXX, trao đổi với báo chí, ông Vũ chia sẻ vụ ly hôn kéo dài của vợ chồng ông khiến ông cảm thấy mệt mỏi. "Nó ảnh hưởng đến nhiều người, với gia đình là đau đớn, với tập đoàn là tê liệt" ông Vũ nói. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn vụ ly hôn sớm kết thúc để tránh ảnh hưởng đến người thân và hoạt động của tập đoàn Trung Nguyên.

Trước đó, ngày 27/3, trong phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã chấp nhận thuận tình ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ theo yêu cầu phía nguyên đơn bà Thảo. Theo đó, bà Thảo được nuôi dưỡng 4 con và ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 cho tới khi các con trưởng thành.

Về việc phân chia tài sản, tổng khối tài sản của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là 7.502 tỉ đồng (trừ bất động sản) được chia thành 6:4. Trong đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu 60% tương đương 4.501 tỉ đồng, bà Thảo sở hữu 40% tương đương 3.001 tỉ đồng. Đồng thời, tòa tuyên bố bà Thảo buộc phải giao hết cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc bản án sơ thẩm, cả bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều có kháng cáo. Theo đó, phía bà Thảo đề nghị hủy bán án sơ thẩm đồng thời không đồng ý với phán quyết của tòa về việc phân chia tài sản theo tỷ lệ 6:4. Phía ông Vũ cũng kháng cáo không chấp nhận tòa chia tài sản tỷ lệ 6:4, thay vào đó, ông Vũ muốn tòa chia theo tỷ lệ 7:3 do ông có đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên.

Phía VKSND cũng có kháng nghị khi cho rằng bản án sơ thẩm đã không nhận định đầy đủ và đã có vi phạm tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Cơ quan công tố cũng cho rằng việc tòa án phân chia tài sản tỷ lệ 6:4 là không phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình. Việc buộc bà Thảo chuyển giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ cũng được phía cơ quan công tố cho là không công bằng.

Do đó, cơ quan công tố cho rằng việc hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên đình chỉ tất cả các yêu cầu khác của các bên đương sự ông Vũ và bà Thảo đối với các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty và các hoạt động khác là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự.

Thu Trà (t/h)
Cùng chuyên mục