Doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng tốc nhập khẩu thủy sản của Việt Nam
Tôm nước ấm, cá tra, cá rô phi Việt Nam "làm mưa làm gió" ở thị trường Hoa Kỳ
Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia Hoa Kỳ (NMFS), nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ tháng 4/2022 tăng 13,1% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 275,3 nghìn tấn, trị giá 2,62 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu 1,127 triệu tấn thủy sản từ 134 thị trường, với trị giá 10,28 tỷ USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 33,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 về trị giá, chiếm 9,4% về lượng và chiếm 7% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu thủy sản từ thị trường Canada và Nga, trong khi nhập khẩu từ các thị trường lớn khác tăng mạnh. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 về lượng cho Hoa Kỳ, đạt 105,66 nghìn tấn, trị giá 722,96 triệu USD, tăng 31,9% về lượng và tăng 64,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 8,1% trong 4 tháng đầu năm 2021, lên 9,4% trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, thị phần thủy sản của Trung Quốc, Chile, Canada lại giảm. NMFS cho biết, tôm nước ấm, cá tra, cá rô phi Việt Nam hiện đang "làm mưa làm gió" ở thị trường Hoa Kỳ sau khi Hoa Kỳ cấm nhập sản phẩm cá thịt trắng của Nga.
Khi lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và EU áp lên sản phẩm cá thịt trắng, người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu đã phải chịu tác động ngay lập tức. Giá cá minh thái đông lạnh, rút xương một lần tại Hoa Kỳ đã leo lên đỉnh, khoảng 4.600 USD/tấn, cao hơn giai đoạn lịch sử 2018 - 2020 (quanh mức 3.400 USD/tấn) và có khả năng còn tăng cao hơn nữa. Trong suốt năm 2020 và đến năm 2021, giá cá minh thái xuất xứ Hoa Kỳ và Nga đã tăng lên trên 3.000 EUR (3.380 USD)/tấn và tương đối ổn định.
Dự báo, nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Hoa Kỳ trong thời gian tới tiếp tục tăng, đặc biệt là những sản phẩm như tôm nước ấm, cá tra và cá rô phi...
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn tiếp tục "bùng nổ"
Để đẩy mạnh xuất khẩu thúy sản vào Hoa Kỳ, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ.
Thực tế hiện nay, doanh thu tiêu thụ thủy sản tươi sống của Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm, tháng 4/2022 chỉ đạt 493 triệu USD, giảm 11,8% so với tháng 4/2021 do người tiêu dùng lo ngại về lạm phát. Trong khi đó, doanh thu thủy sản đông lạnh lại tăng 2,8% và thủy sản đóng hộp tăng 9,6% so với tháng 4/2021. Mặc dù doanh thu cao hơn mức trước thời điểm dịch Covid-19, nhưng khối lượng hàng tiêu thụ đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là với các mặt hàng thủy sản có vỏ giảm 11,6% so với tháng 4/2019.
Trong khi đó, mặc dù giá thủy sản đông lạnh cũng tăng, nhưng tiêu thụ nhóm sản phẩm này vẫn tăng 2,8% so với tháng 4/2021. Trong đó, doanh thu cá đông lạnh tăng 7,9% và tôm đông lạnh chưa qua chế biến tăng 3,2%. Tuy nhiên, doanh thu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản đông lạnh đã qua chế biến giảm 6,2%. Doanh thu thủy sản đóng hộp tăng 9,6%, lên mức 223 triệu USD và tăng 6,5% về khối lượng. Thủy sản đông lạnh và đóng hộp có lợi thế so với thủy sản tươi sống trong thời kì lạm phát tăng cao như hiện nay do thời gian sử dụng lâu dài dài hơn và nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng thủy sản đông lạnh rẻ hơn thủy sản tươi sống.
Với xu hướng tiêu thụ của Hoa Kỳ như nêu trên, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh mẽ bởi thủy sản đông lạnh, đóng hộp đang là thế mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Được biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,06 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 34,69% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp trị giá xuất khẩu thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong tháng 5 các năm. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD, tăng 43,69% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu tới Anh, Nga, Pháp, Italya và Brazil giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nga và Italya giảm.
Hoa Kỳ và Trung Quốc cho đến nay vẫn là 2 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất và có mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của Việt Nam lần lượt tăng từ 20,4% và 10,6% trong 5 tháng đầu năm 2021, lên đạt 23,2% và 12,1% trong 5 tháng đầu năm 2022. Dự báo, trong quý III/2022 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục "bùng nổ" mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản có khả năng tiếp tục duy trì mức 1 tỷ USD/tháng và do đó có thể vượt 11 tỷ USD trong cả năm 2022.
Doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng lãi lớn cả năm
Theo thông tin được công bố liên tiếp những ngày qua trên báo chí, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản cho biết đã lãi tăng bằng lần trong các tháng đầu năm 2022, kỳ vọng lãi lớn cả năm.
Mặc dù đối mặt với nhiều biến động lớn của thế giới, nhưng ngành thủy sản vẫn tăng tốc mạnh mẽ. Điều này khiến kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho các cổ phiếu ngành thủy sản cũng tăng lên.
Trên sàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), danh sách top 10 cổ phiếu tăng mạnh bậc nhất tuần qua đã có tới 3 gương mặt ngành thủy sản.
Trong đó, mã ANV của Công ty CP Nam Việt (Navico, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 trên thế giới) ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 24,4%. Hai mã còn lại cùng ngành cũng lọt top 10 danh dự là IDI (Công ty đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia) và ACL (Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang) với mức tăng lần lượt 21,4% và 17%.
Nhiều mã khác thuộc ngành thủy sản cũng nhận được lực mua tốt như VHC (Vĩnh Hoàn), FMC (Thực phẩm Sao Ta), CMX (Camimex Group)...
Trong báo cáo tài chính quý đầu năm 2022 vừa công bố, Nam Việt cho biết đã đạt doanh thu gần 1.220 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ hết chi phí, doanh nghiệp lãi ròng sau thuế gần 207 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh ngành cá tra ghi nhận khởi sắc, năm nay doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 4.900 tỷ đồng, lãi ròng trước thuế 720 tỷ đồng - tăng lần lượt 40% và 377% so với năm trước.
Là gương mặt nổi bật, mã VHC của Vĩnh Hoàn đang được nhà đầu tư định giá cao nhất trong ngành thủy sản với 102.500 đồng/cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính, chỉ trong quý đầu năm nay doanh nghiệp này lãi ròng gần 550 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.920 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.
Hay quý đầu năm nay, Công ty thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần 1.328 tỷ đồng (+37%), lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 41 tỷ đồng (+36,6% so với quý cùng kỳ năm trước). Vì hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm đều diễn ra thuận lợi với nhiều tín hiệu tốt, nên khả năng quý II này doanh nghiệp sẽ vượt mức lợi nhuận ít nhất 20% cùng kỳ năm trước (ước đạt 98 tỷ đồng).
Năm nay Sao Ta đặt kế hoạch gặt hái 5.290 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,3% và 10,7% so với năm trước.