Tổng thống Joe Biden tiết lộ 3 giải pháp “khai thông” chuỗi cung ứng toàn cầu

01/11/2021 17:32 GMT+7
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh “dòng chảy thương mại toàn cầu dễ bị tổn thương đến như thế nào” và tiết lộ 3 giải pháp của nước Mỹ để “khai thông” chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại cuộc họp vào ngày 31/10 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Joe Biden đã hối thúc các nhà lãnh đạo G20 giải quyết các thách thức làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như các nhân tố quan trọng khác đang ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden “sốt sắng” phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trước giới truyền thông trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới G20 vào ngày 31/10 tại Trung tâm hội nghị “La Nuvola” ở quận EUR của Rome, Ý. (Ảnh: Brendan Smialowski | AFP, Getty Images

"Ít ai nghĩ đến chuỗi cung ứng cho đến khi có sự cố xảy ra. Và trong đại dịch này, chúng ta đã chứng kiến sự chậm trễ và tồn đọng hàng hóa từ ô tô đến hàng điện tử, từ giày dép đến đồ nội thất", ông Joe Biden chia sẻ trong lần đầu tiên tham dự tại G20 kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ.

"Chấm dứt đại dịch là chìa khóa cuối cùng để tháo gỡ những khó khăn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta phải hành động ngay bây giờ, cùng với các đối tác của mình trong khu vực tư nhân, nhằm giảm bớt những tồn đọng. Bây giờ, chúng ta đã thấy dòng chảy thương mại toàn cầu dễ bị tổn thương đến như thế nào, khi chúng ta không thể trở lại kinh doanh như bình thường", Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh.

Theo thông báo của Nhà Trắng về cuộc họp, Tổng thống Biden cùng với các nhà lãnh đạo đến từ 14 quốc gia khác và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý "thúc đẩy hợp tác quốc tế nhiều hơn về sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn". Các nhà lãnh đạo cũng có kế hoạch củng cố và đa dạng hóa toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng từ việc phụ thuộc vào một số nguyên liệu thô nhất định để sản xuất đến vận chuyển và phân phối.

Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang phải chịu gánh nặng của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi lao động thiếu hụt, hoạt động sản xuất chậm trễ, dẫn đến chi phí vận chuyển và lạm phát ngày càng cao.

Tổng thống Joe Biden “sốt sắng” phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Cảng Los Angeles, cửa ngõ thương mại lớn nhất của Mỹ với châu Á. (Ảnh: Bloomberg)

3 giải pháp "khai thông" chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng của chính nước Mỹ, Tổng thống Biden cũng đã công bố 3 giải pháp trong nước.

Thứ nhất, chính phủ Mỹ đã ra một sắc lệnh nhằm hợp lý hóa các nỗ lực dự trữ của Mỹ bằng cách giao quyền cho Bộ Quốc phòng nước này thực hiện việc giải phóng vật liệu từ Kho dự trữ Quốc phòng. Biện pháp này sẽ cho phép Mỹ phản ứng nhanh hơn trước sự thiếu hụt vật liệu trong cơ sở công nghiệp quốc phòng.

Thứ hai, Mỹ đã đưa ra 2 sáng kiến nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng quốc tế giữa các đối tác và đồng minh của Mỹ. Đầu tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cấp thêm kinh phí cho việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác Mexico và Trung Mỹ nhằm giảm bớt sự gián đoạn và tắc nghẽn của chuỗi cung ứng. Sau đó là đến hàng triệu USD tài trợ cho các sáng kiến mới của Hoa Kỳ - ASEAN. Cả hai sáng kiến này sẽ cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hải quan và thông quan, giảm sự chậm trễ và khuyến khích chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả.

Cuối cùng, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhiều bên liên quan vào năm tới cùng với những người đồng cấp nước ngoài của họ. Hội nghị thượng đỉnh sẽ là một cuộc đối thoại nhằm thiết lập các bước tiếp theo giữa các bên để tạo khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu cao hơn.

Đầu tháng 10, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã công bố kế hoạch điều hành hoạt động 24/7 tại các cảng Los Angeles và Long Beach của California, nơi chiếm tới 40% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển vào Hoa Kỳ.

Tuần trước, hai cảng này đã công bố các khoản phạt mới đối với các hãng vận tải tại khu phức hợp cảng bận rộn nhất nước Mỹ nhằm giảm bớt tình trạng ngày càng có nhiều tàu chở hàng bị tắc nghẽn tại đây. Cụ thể, sau khi chất hàng xuống tàu, các container được di chuyển bằng xe tải sẽ có 9 ngày trước khi tiền phạt bắt đầu cộng dồn. Các container dự kiến di chuyển bằng đường sắt sẽ chỉ có 3 ngày. Theo thời hạn này, các hãng vận tải sẽ bị tính phí 100 đô la/container (còn lại)/ngày bắt đầu từ ngày 1/11.

Trà Li
Cùng chuyên mục