Trump muốn hất cẳng Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghiệp thế giới
Tổng thống Donald Trump từ lâu đã kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ rời thị trường Trung Quốc trở về nước, nhất là khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ hồi năm 2018-2019. Nhưng lời kêu gọi này đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi sự bùng phát dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong năm 2018, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, chịu trách nhiệm cung ứng 28% sản lượng sản xuất toàn cầu, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Đó là lý do vì sao khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế Trung Quốc gần như tê liệt, rất nhiều doanh nghiệp quốc tế cũng trì trệ theo. Dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc đã làm nổi bật một thực trạng: một số công ty Mỹ đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường tỷ dân.
“Chúng tôi đã nỗ lực (để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc) trong vài năm gần đây. Nhưng hiện tại, chúng tôi tăng cường áp lực để thúc đẩy sự dịch chuyển đó” - trích lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach. Bà Keith nhấn mạnh đây là vấn đề ảnh hưởng tới an ninh kinh tế nước Mỹ, và rằng Chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ sớm thông báo những hành động mới.
Tờ Reuters trước đó cũng đưa tin Bộ Thương mại Mỹ và nhiều cơ quan ban ngành liên quan đang tìm cách thúc đẩy các công ty Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất trọng yếu của Mỹ dịch chuyển nhà máy sản xuất và nguồn cung khỏi thị trường Trung Quốc. Chính quyền Trump được cho là đang xem xét các ưu đãi thuế và trợ cấp chi phí dịch chuyển cho các doanh nghiệp.
“Đây là thời khắc hoàn hảo. Đại dịch đã phản ánh và tập hợp mọi nỗi lo mà các quốc gia gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc” - một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. “Tất cả những khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp nghĩ rằng họ kiếm được từ các giao dịch với Trung Quốc, giờ đây đã bị thổi bay bởi những thiệt hại kinh tế từ vụ dịch Covid-19”.
Mới đây, Tổng thống Trump đe dọa sẽ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh vì những gì nước Mỹ phải gánh chịu trong đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phản đối tăng thuế, nhất là trong bối cảnh họ phải gánh chịu thiệt hại doanh thu nặng nề sau vụ dịch. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trump sẽ chùn bước, các quan chức Mỹ cho hay. “Các cuộc thảo luận về việc di chuyển chuỗi cung ứng là những nỗ lực bất thường và mạnh mẽ của chính quyền Trump”.
Mỹ cũng đang nỗ lực thiết lập một liên minh gồm những đối tác thương mại tin cậy vào một tổ chức gọi là Mạng lưới thịnh vượng kinh tế. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp và tổ chức xã hội với cùng một bộ tiêu chuẩn tiến bộ chung, với nhiều lĩnh vực hợp tác từ kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục...
Mỹ không phải quốc gia duy nhất kêu gọi doanh nghiệp trở về nước hoặc tìm kiếm các thị trường khác bên ngoài Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung ứng. Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản mới đây cũng tuyên bố trợ cấp cho doanh nghiệp để chuyển nhà máy sản xuất về nước hoặc ra các thị trường lân cận như ASEAN để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tỷ dân. Đại sứ quốc gia Nam Mỹ Colombia, ông Francisco Santos hồi tháng trước cũng cho biết đang thảo luận với Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại Mỹ về nỗ lực khuyến khích các công ty Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng trở về châu Mỹ.