Trung Quốc cam kết với G20 sẽ bồi thường nạn nhân bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Cụ thể, ông Tập khẳng định sẽ lập một kênh lắng nghe các khiếu nại, đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời bồi thường cho các nạn nhân bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, Trung Quốc sẽ áp dụng luật đầu tư nước ngoài mới song song với thiết lập một cơ chế xử phạt và bồi thường các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thông qua các biện pháp dân sự, hình sự”. Chủ tịch Trung Quốc đồng thời khẳng định sẽ đối xử bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài và thiết lập kênh đối thoại, lắng nghe những khiếu nại, giải đáp các thắc mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Dù không đề cập đến Mỹ, nhưng tuyên bố được ông Tập Cận Bình đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra vào trưa 29.6. Trước đó, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc trong các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường - hai điều mấu chốt trong thỏa thuận thương mại.
Ông Tập Cận Bình cũng hứa hẹn Trung Quốc sẵn sàng xúc tiến đàm phán với Châu Âu, cũng như đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và Nhật Bản trong nỗ lực xoa dịu mối quan ngại của các đối tác thương mại lớn khác. Vị Chủ tịch Trung Quốc khẳng định đây không phải lời hứa sáo rỗng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa), Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: Kyodo
Nhiều nguồn tin cho hay, ông Tập Cận Bình muốn đưa yêu sách về gỡ bỏ lệnh cấm vận với Huawei và đình chỉ trừng phạt thuế quan như là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán thương mại. Trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc trong đó có ông Tập lại bày tỏ quan ngại sâu sắc về chủ nghĩa bảo hộ, dù không đề cập trực tiếp đến quốc gia nào.
Về phía các nhà lãnh đạo EU, họ đưa ra cảnh báo sâu sắc với Mỹ và Trung Quốc về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do chiến tranh thương mại. Các thành viên G20 đều quan ngại về tăng trưởng kinh tế cũng như các rủi ro cho thị trường một khi không có thỏa thuận thương mại nào được đưa ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.