Trung Quốc: Lãi suất cho vay cơ bản ổn định trong tháng 5, kỳ vọng sẽ giảm thêm 10bps năm 2023

24/05/2023 10:49 GMT+7
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã không thay đổi lãi suất cho vay cơ bản trong 9 tháng liên tiếp, đáp ứng kỳ vọng của các nhà kinh tế. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn miễn cưỡng chi tiêu cho các mặt hàng giá trị lớn trong bối cảnh việc làm và thu nhập bấp bênh.

Báo cáo kinh tế Trung Quốc mới nhất của các nhà nghiên cứu Ngân hàng Maybank cho rằng, Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm và 5 năm được PBOC duy trì trong tháng thứ 9 liên tiếp ở mức tương ứng là 3,65% và 4,30%, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế. PBOC có thể sẽ tiếp tục kiên nhẫn với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức là +5% trong năm nay. Sự kiện đồng Nhân dân tệ (NDT) trượt giá xuống mức thấp nhất trong 5 tháng so với đồng đô la Mỹ (USD) vào tuần trước có thể đã hạn chế phạm vi hạ lãi suất do rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài.

Lãi suất cho vay trung hạn Trung Quốc được duy trì, tăng thanh khoản một cách thận trọng

Ghi nhận ngày 15/5, PBOC vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm ở mức 2,75% đối với các khoản vay trị giá 125 tỷ NDT (18,08 tỷ USD) theo chương trình cho vay một năm dành cho một số ngân hàng. Thanh khoản ròng được bơm qua lãi suất cho vay trung hạn MLF là 25 tỷ NDT, cao hơn một chút so với 20 tỷ NDT trong tháng 4. Tuy nhiên, cung cấp thanh khoản ròng vẫn nhỏ hơn nhiều so với tháng 12 đến tháng 3, phù hợp với nhu cầu tín dụng đang chậm lại khi việc thúc đẩy mở cửa trở lại mất dần.

Chính sách tiền tệ vẫn mang tính hỗ trợ, nhưng PBOC đang điều chỉnh nguồn cung cho vay theo nhu cầu tín dụng, tránh ồ ạt các gói kích thích. Các khoản vay trên nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tài chính và duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở mức cần thiết.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không tăng lãi suất cho vay cơ bản tháng 5, kỳ vọng giảm thêm 10bps trong năm 2023 - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay cơ bản và tỷ lệ lãi suất cho vay trung hạn của PBOC. Nguồn: PBOC, CEIC

Trung Quốc tháng 4: Tăng trưởng tín dụng chậm lại, doanh số bán nhà giảm

Các khoản vay mới bằng NDT đã giảm -80% từ tháng 3 xuống còn 718,8 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 4, nhưng tăng +11,4% so với một năm trước. Sự suy giảm này một phần phản ánh các yếu tố theo mùa, do tháng 4 có xu hướng là tháng trái mùa để vay. 

Tăng trưởng tín dụng từ các doanh nghiệp phi tài chính và cơ quan Chính phủ cũng giảm xuống còn 683,9 tỷ NDT so với 2700 tỷ NDT trong tháng 3. Phần lớn các khoản vay nhằm mục đích để đầu tư cho cơ sở hạ tầng sản xuất của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không tăng lãi suất cho vay cơ bản tháng 5, kỳ vọng giảm thêm 10bps trong năm 2023 - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong tháng 4. Nguồn: PBOC, CEIC

Ngược lại, các khoản vay hộ gia đình lần đầu tiên được hoàn trả ròng 241 tỷ NDT kể từ tháng 10/ 2022 đối với các khoản vay ngắn hạn (-125,5 tỷ NDT vào tháng 4 so với 609,4 tỷ NDT vào tháng 3) và các khoản vay trung và dài hạn (-115,6 tỷ NDT vào tháng 4 so với 634,8 tỷ NDT vào tháng 3). 

Điều này liên quan đến việc mua nhà ít hơn trong tháng 4. Giá trị doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển lớn nhất trong tháng 4 đã tăng +31,6% so với một năm trước đó nhưng giảm -13% so với tháng trước. Người tiêu dùng vẫn miễn cưỡng chi tiêu cho các mặt hàng giá trị lớn trong bối cảnh việc làm và thu nhập bấp bênh.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách trong năm 2023?

Các nhà kinh tế cho rằng PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR 25 điểm cơ bản lần thứ hai và cắt giảm 10 điểm cơ bản cho Lãi suất cho vay cơ bản LPR kỳ hạn 1 và 5 năm vào nửa cuối năm 2023. Theo các nhà phân tích, PBOC nên ưu tiên cho việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, hơn nữa vấn đề hiện nằm ở việc nhu cầu vay tín dụng đang suy yếu và hệ thống ngân hàng dồi dào thanh khoản, không cho vay được. 

Với những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp và lòng tin của nhà đầu tư yếu, Chính phủ Trung Quốc có thể cần nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì sự phục hồi của nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng, những nỗ lực tập trung về chính sách tiền tệ là cần thiết để ổn định thị trường bất động sản và thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ giảm phát.

N.Hải (Theo Maybank)
Cùng chuyên mục