Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc bơm 58 tỷ USD vào nền kinh tế sát Tết Nguyên đán
Hôm 15/1, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) thông báo trên trang web chính thức về việc giữ nguyên mức lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) một năm ở mức 3,25%, không thay đổi so với kỳ trước. PBOC cũng bơm thêm 300 tỷ NDT (tương đương 43,51 tỷ USD) thông qua kênh thanh khoản này.
Trong một động thái khác, PBOC cũng rót thêm 100 tỷ NDT (14,5 tỷ NDT) vào thị trường tài chính thông qua các thỏa thuận repo (mua lại) đảo ngược trong 14 ngày với lãi suất không đổi 2,65%.
Như vậy, tổng giá trị trong lần bơm thanh khoản mới đây của PBOC lên tới 58 tỷ USD. Trong một tuyên bố, Ngân hàng Trung Ương cho hay động thái bơm thanh khoản nhằm bù đắp tác động từ các yếu tố như thanh toán thuế và nhu cầu tiền mặt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thông thường vào mỗi dịp cuối năm, lượng tiền mặt tại các ngân hàng luôn cạn. Ước tính, lỗ hổng thanh toán tiền mặt của Trung Quốc trước Tết Nguyên đán năm nay có thể lên tới 2,8 nghìn tỷ NDT.
Lãi suất các khoản vay trung hạn MLF hiện đóng vai trò như một hướng dẫn điều chỉnh lãi suất cho vay cơ bản trong 1 năm (LPR) của Ngân hàng Trung Ương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất cơ bản LPR có thể có hoặc không kèm theo sự thay đổi của lãi suất MLF, nhận định của ông Frances Cheung, giám đốc chiến lược vĩ mô khu vực Châu Á của Westpac.
Lãi suất LPR là lãi suất tham chiếu được thiết lập hàng tháng bởi 18 ngân hàng lớn của Trung Quốc. Kể từ tháng 8/2019, sau khi PBOC cải cách cơ chế định giá LPR, lãi suất LPR đã giảm 0,1% trong nỗ lực kích thích nền kinh tế bị tổn thương bởi thương chiến Mỹ Trung.
Song song với cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc cũng nhiều lần bơm thanh khoản vào nền kinh tế để kích thích nhu cầu trong nước. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt mức thấp nhất trong 3 thập kỷ vào năm 2020 do nhu cầu trong nước và toàn cầu giảm tốc, chịu ảnh hưởng của hàng loạt xung đột địa chính trị. Hồi tháng 10/2019, IMF từng đưa ra cảnh báo trong Báo cáo triển vọng Kinh tế Thế giới, rằng nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2020, thấp hơn dự báo 6,1% trong năm 2019. Hồi 2018, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt mức 6,6%, theo báo cáo của Bắc Kinh.
Một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện hồi tuần này cũng củng cố quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong năm nay.