Trung Quốc tiếp tục xuất kho dự trữ để ổn định giá thịt lợn, giá lợn hơi trong nước còn biến động

10/10/2022 06:35 GMT+7
Trung Quốc sẽ thực hiện đợt thứ 5 xuất thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia để bổ sung nguồn hàng cho thị trường nhằm duy trì ổn định nguồn cung và giá cả. Thông tin được Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc cho hay.

Trung Quốc sẽ thực hiện đợt thứ 5 xuất thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia

Theo Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt lợn thời gian qua của nước này ở mức tương đối cao. Năng lực sản xuất thịt lợn trong nước nhìn chung đủ để đáp ứng nhu cầu hoặc thậm chí dư thừa.

Do đó, NDRC tin rằng giá thịt lợn sẽ không duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tính đến 14h ngày 8/10, trung bình giá lợn bán buôn tăng 2,5% so với 1 tuần trước lên mức 32,81 NDT (4,62 USD)/kg.

NDRC khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình cung và cầu cũng như xu hướng giá cả của mặt hàng thực phẩm này, tiếp tục xuất bổ sung từ kho dự trữ quốc gia và sẵn sàng tăng lượng thịt xuất kho để bổ sung cho thị trường nếu cần thiết.

Trung Quốc tiếp tục xuất kho dự trữ để ổn định giá thịt lợn, giá lợn hơi trong nước còn biến động - Ảnh 1.

Trung Quốc sẽ thực hiện đợt thứ 5 xuất thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia để thực hiện đợt bổ sung cho thị trường nhằm duy trì ổn định nguồn cung và giá cả.

Giá lợn hơi Trung Quốc ngày 7/10 tiếp tục tăng mạnh, đứng ở mức 86.000 đồng/kg, tiếp tục đi lên khi so với ngày 6/7 khi có giá là 85.200 đồng/kg và so với giá ngày trước đó là 84.600 đồng/kg và so với mức 81.900 đồng/kg cuối tuần trước.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) về thị trường Trung Quốc, sản lượng lợn năm 2023 của nước này dự kiến đạt 675 triệu con. Sự sụt giảm của giá lợn và thịt lợn trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi lớn có vốn đầu tư đáng kể.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn vẫn duy trì sản lượng ngay cả khi lỗ ngày càng gia tăng, dự kiến Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu sản xuất thịt lợn vào năm 2023 để duy trì thị phần. Các nhà sản xuất quy mô nhỏ dự kiến sẽ mở rộng sản xuất vào năm 2023 với giá lợn hơi và thịt lợn ổn định.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2022, Trung Quốc nhập khẩu 140 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 318,57 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với tháng 7/2022.

Tuy nhiên so với 8/2021 giảm 50% về lượng và giảm 58,1% về trị giá. Tính chung 8 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,07 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,19 tỷ USD, giảm 63,5% về lượng và giảm 73,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 8 tháng năm 2022, chiếm 29,3% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 643,43 triệu USD, giảm 75,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt kể từ cuối tháng 8/2022 đến nay, khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh vào thị trường để đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt lợn tại Trung Quốc cảnh báo rằng việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá thịt lợn của nước này. Ngày 23/9/2022 nước này đã đưa ra thị trường 14.400 tấn thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ để bình ổn giá mặt hàng này trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ngày 10/10/2022.

Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc ngày 16/9/2022 cho biết, trong tháng 9/2022 Trung Quốc đã đưa ra thị trường khoảng 200.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ để duy trì nguồn cung và ổn định giá. NDRC cho biết Trung Quốc có đủ dự trữ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trên thị trường và sẽ xả kho dự trữ từng đợt cũng như sẽ tăng số lượng xả kho nếu cần thiết. Thịt lợn là một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của nước này.

Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết, từ ngày 19-23/9, giá bán lẻ thịt lợn nạc trung bình tuần tại 36 thành phố lớn và trung bình của Trung Quốc tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc liên tục tăng kể từ giữa tháng 3 vừa qua, lên tới 31,17 nhân dân tệ (4,40 USD)/kg cách đây 2 tuần.

Theo số liệu chính thức, lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã lên tới 2,7% trong tháng 7, cao nhất trong 2 năm qua, phần lớn do giá thịt lợn tăng mạnh, trước khi giảm nhẹ xuống 2,5% trong tháng 8 khi các biện pháp phòng chống Covid-19 làm giảm mức cầu hàng hóa nói chung.

Chính phủ Trung Quốc dự trữ khối lượng lớn thịt lợn đông lạnh và sẽ xuất kho để bình ổn giá, đặc biệt trong những thời điểm nhu cầu tăng mạnh như Tết Nguyên đán.

Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cam kết tiếp tục tăng dự trữ thịt lợn và tăng phân phối nếu cần.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phần lớn không bị tác động bởi sự tăng giá thực phẩm trên toàn cầu, tuy nhiên giá thịt lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi trong những năm gần đây, khiến lạm phát tiêu dùng tăng mạnh.

Từ năm 2019, nhà chức trách cho biết đã thúc đẩy khôi phục sản lượng và từ đó đến nay đã xuất kho dự trữ nhiều đợt để kiểm soát giá thịt lợn.

Thịt lợn là một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của nước này.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021, sau khi tăng 20,2% trong tháng 7/2022.

Theo trang theo dõi giá thịt lợn của Trung Quốc www.zhuwang.cc, giá thịt lợn trên toàn quốc đã tăng 53% từ mức của tháng 5/2022, lên 23,34 NDT/kg (tương đương 3,4 USD/kg) hôm 9/9.

Đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc chưa dùng tới giải pháp tăng nhập khẩu để hạ giá thị trường. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất giữ được giá tiêu dùng tăng rất thấp. Tuy nhiên do thịt lợn là mặt hàng chủ lực trong rổ chỉ số giá tiêu dùng cũng như được người dân tiêu thụ nhiều nhất nên Trung Quốc luôn dùng giải pháp xả kho thịt lợn khi giá tăng cao.

Theo các chuyên gia, giải pháp kịp thời của cơ quan chức năng chỉ chặn đà tăng trước mắt. Từ nay đến cuối năm nhu cầu tăng cao nên giá lợn khó có cơ hội giảm mạnh, nhất là trong điều kiện giá thức ăn và nhiều thứ khác tăng cao.

Sản lượng lợn của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 tăng, lượng giết mổ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Giá gần đây tăng đã mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất, lượng lợn nái giống hàng tháng đã tăng lên kể từ tháng 5/2022. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong quý II/2022 thấp hơn nhiều so với những năm trước, mặc dù tương đương với mức nhập khẩu trong quý I/2022 . Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm 64% so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 799.000 tấn (giảm 68% từ thị trường EU). Tất cả các thị trường chính cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc đều giảm.

Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường cung cấp thông tin về tình hình chăn nuôi và đưa ra các chính sách hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung ổn định trong quý IV, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn. Sau cuộc họp với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Bộ này cho biết sẽ cung cấp thông tin về lợn giống, lợn hơi và thực hiện thêm các chính sách hỗ trợ cho vay dài hạn, chính sách môi trường...

Giá lợn hơi tại các địa phương trong nước vẫn biến động trái chiều trong thời gian tới? 

Được biết, trong nước, giá lợn hơi ngày 9/10 đi ngang tại nhiều địa phương trên cả nước và dao động trong khoảng 55.000 – 62.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ngày 9/10 đi ngang và được ghi nhận trong khoảng 58.000 - 62.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Ninh Bình. Cao hơn một giá, tại Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Lào Cai đang neo ở mức 59.000 đồng/kg. Mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 62.000 đồng/kg được ghi nhận Thái Bình. Các địa phương khác trong khu vực, giá lợn hơi dao động trong khoảng 60.000 – 61.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đi ngang và dao động trong khoảng 56.000 – 60.000 đồng/kg. Theo đó, Ninh Thuận hiện đang được thương lái thu mua ở mức 56.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Cao hơn một giá, Đắk Lắk, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An hiện cùng thu mua lợn hơi ở mức 57.000 đồng/kg. Còn tại Lâm Đồng, Bình Định, Thanh Hóa giá lợn hơi lần lượt ở mức 58.000 đồng/kg, 59.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực, hiện giá lợn hơi cùng đứng ở mức 60.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi ngày 9/10 đi ngang và dao động trong khoảng 55.000 - 62.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 55.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu. Mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 62.000 đồng/kg được ghi nhận tại Long An. Thương lái các địa phương Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang đang thu mua lợn hơi ở mức 56.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực, giá lợn hơi dao dịch trong khoảng 57.000 – 59.000 đồng/kg.

Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi biến động theo xu hướng giảm. Mức giá lợn hơi trung bình ngày 9/10 tại khu vực miền Bắc hiện ở mức 62.230 đồng/kg; tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên ở mức 58.780 đồng/kg; tại khu vực miền Nam là 58.580 đồng/kg.

Dự báo giá lợn hơi tại các địa phương có thể sẽ vẫn biến động trái chiều trong tuần này.

Trung Quốc tiếp tục xuất kho dự trữ để ổn định giá thịt lợn, giá lợn hơi trong nước còn biến động - Ảnh 2.

Dự báo giá lợn hơi tại các địa phương sẽ vẫn biến động trái chiều trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu 60,33 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 129,6 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 15,4% về trị giá so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 411,19 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 918,68 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt heo giảm so với cùng kỳ năm 2021; Trong khi nhập khẩu thịt trâu, thịt gia cầm, thịt bò tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm từ đầu năm 2022 đến nay, do nhu cầu phục hồi chậm. Trong khi, thịt lợn nhập khẩu vẫn không dễ cạnh tranh với thịt lợn trong nước. Nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước đang ở mức giá hợp lý đối với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 64,59 nghìn tấn, trị giá 137,02 triệu USD, giảm 41,3% về lượng và giảm 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 24 thị trường, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Brazil chiếm 36,5%; Nga chiếm 26,3%; Đức chiếm 14,1%; Canada chiếm 9,6%; Hà Lan chiếm 4,2% trong tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục