Trung Quốc xem xét phê duyệt vaccine Covid-19, giá gấp 9 lần vaccine của Nga
Hồi cuối tuần trước, Phó Chủ tịch CNBG Zhang Yuntao cho hay hai dòng vaccine Covid-19 do tập đoàn này phát triển đang được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia xem xét “phê duyệt có điều kiện”. Nếu được “bật đèn xanh”, vaccine Covid-19 của CNBG sẽ được phân phối ra thị trường với mức giá tối đa 600 NDT (khoảng 88 USD) cho hai liều, tức thấp hơn gần một nửa so với mức giá 1.000 NDT được đề xuất hồi tháng trước. Tuy vậy, mức giá này vẫn cao gấp gần 9 lần giá vaccine Sputnik V của Nga, được đề xuất khoảng 10 USD.
“Tôi tin rằng vaccine Covid-19 sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay, dù vẫn còn một số nhân tố chưa chắc chắn” - ông Zhang cho biết, đồng thời lưu ý rằng việc tiêm chủng hàng loạt loại vaccine Covid-19 của CNBG vẫn là đề xuất của công ty chứ chưa được chấp thuận chính thức.
Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia có thẩm quyền phê duyệt có điều kiện cho một loại vaccine, thuốc điều trị khi chưa hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng nhưng kết quả sơ bộ cho thấy hiệu quả lâm sàng đạt được. Sau đó, vaccine vẫn cần kết thúc quá trình thử nghiệm để được cấp phép đầy đủ.
“Chúng ta vẫn cần thử nghiệm trong thời gian dài để phát hiện các tác dụng phụ, đặc biệt là bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi tiếp xúc với virus…Vaccine Covid-19 của chúng tôi sẽ chỉ nhận được sự cấp phép chính thức chừng nào hoàn thành quy trình thử nghiệm 3 giai đoạn” - vị Phó Chủ tịch CNBG chia sẻ.
Hiện CNBG đang thử nghiệm 2 loại vaccine Covid-19 bất hoạt ở gần 10 quốc gia ngoài Trung Quốc bao gồm Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, với tổng số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lên tới 40.000 người. Vaccine sẽ được xác định tính an toàn và hiệu quả thông qua so sánh các trường hợp nhiễm Covid-19 được tiêm chủng với các trường hợp sử dụng giả dược.
Ông Zhang Yuntao cam kết các thử nghiệm lâm sàng sẽ tuân theo hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới WHO và thông lệ quốc tế để đảm bảo độ an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.
Hiện CNBG đã xây dựng hai nhà máy an toàn sinh học tại Bắc Kinh và Vũ Hán để sản xuất các dòng vaccine bất hoạt. Một khi hoàn thành, các cơ sở này sẽ cho phép CNBG tăng gấp 3 năng suất sản xuất vaccine hàng năm từ 300 triệu liều lên 1 tỷ liều.
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng 3 loại vaccine Covid-19 bất hoạt trong trường hợp khẩn cấp, hai của CNBG và một của Sinovac. Đã có khoảng 350.000 người được tiêm chủng theo chương trình sử dụng khẩn cấp này. Theo ông Zhang, những người đã được tiêm vaccine hầu hết thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên hải quan tiếp xúc trực tiếp với công dân nhập cảnh từ nước ngoài, nhân viên làm việc ở nước ngoài thuộc các tập đoàn quốc doanh, thậm chí có cả một số nhà ngoại giao.
Điều này đi ngược lại nguyên tắc tại các quốc gia phát triển trên thế giới, rằng một loại vaccine thường chỉ được phép tiêm rộng rãi sau khi hoàn tất các thử nghiệm về độ an toàn. Hiện một số nước phương Tây như Mỹ, Anh và Đức chưa cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho những đối tượng không nằm trong phạm vi thử nghiệm. Gần đây nhất, 9 nhà phát triển vaccine hàng đầu phương Tây đã ký cam kết không xin phê duyệt vaccine chừng nào thử nghiệm giai đoạn 3 hoàn tất và vaccine đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cũng cho biết các cơ quan y tế Trung Quốc đang xây dựng một chiến lược tiêm chủng, cân nhắc kế hoạch tiêm cho các nhóm độ tuổi khác nhau và khả năng kết hợp vaccine Covid-19 bất hoạt với các loại vaccine khác.