Trường hợp bỏ cọc trong đấu giá đất sẽ có chế tài xử phạt “mạnh tay”

08/12/2022 10:19 GMT+7
Thời gian qua, thị trường đấu giá đất xảy ra nhiều bất cập như trả giá cao rồi bỏ cọc hay tình trạng “cò” đấu giá,… Do đó, Tổng Cục Quản lý Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa kiến nghị các biện pháp, bổ sung các chế tài xử phạt nhằm chấn chỉnh lại thị trường đấu giá đất.

Theo Tổng Cục Quản lý Đất đai, thị trường đấu giá đất còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã mua gom trong khu vực nhằm thu lợi.

Bên cạnh đó, tình trạng "cò" đấu giá đất, "quân xanh - quân đỏ" diễn ra phổ biến; có hiện tượng chưa có chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất…

Do đó, Tổng Cục Quản lý Đất đai kiến nghị cần tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.

Cùng với đó, sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan để có chính sách tạo cơ chế thuận lợi cho việc thu hồi đất theo quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.

Trường hợp bỏ cọc trong đấu giá đất sẽ có chế tài xử phạt “mạnh tay” - Ảnh 1.

Bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến đấu giá đất để chấn chỉnh lại thị trường (Ảnh: TN)

Đặc biệt, Tổng Cục Quản lý Đất đai kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá. Người trúng đấu giá bỏ cọc không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong một thời gian nhất định.

Tổng Cục Quản lý Đất đai cũng kiến nghị bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá đất, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung của pháp luật về quản lý thuế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở nhưng nhiều năm trở lại đây lại trở thành một thị trường đầu cơ mới.

"Chúng ta không sàng lọc được các nhà đầu tư tham gia vào đấu giá đất, xem người ta có đủ năng lực thực tế thanh toán cho các sản phẩm đấu giá hay không. Do đó cần thay đổi việc yêu cầu nhà đầu tư tham gia đấu giá đất phải có nguồn lực cam kết, có thể bằng tiền, bằng bảo lãnh ngân hàng... với lượng tiền có đủ khả năng để thanh toán", ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, giá trị đất tăng thực chất là không đáng kể, chủ yếu vẫn là do "cò" thổi giá, tạo nên những cơn "sốt ảo" trong thời gian ngắn để mua đi bán lại kiếm lời.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục